Vinamilk: Sẽ thảo luận vấn đề nới room tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới

Vinamilk: Sẽ thảo luận vấn đề nới room tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới

Một trong số các nội dung sẽ được thảo luận theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM) là vấn đề tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tờ trình trước Đại hội không nêu rõ chi tiết của nội dung này.

* F&N phủ nhận việc chào mua 45% cổ phần VNM với giá 4 tỷ USD

* VNM muốn nâng room ngoại

* Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk

Diễn biến giao dịch của cổ phiếu VNM 1 năm gần đây
Ngay sau khi có thông tin về việc thoái vốn nhà nước và nới room, cổ phiếu VNM đã tăng mạnh hơn 40%.

Câu chuyện thoái vốn nhà nước, nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk từng là đề tài gây xôn xao thị trường. Và cũng nhờ câu chuyện này, cổ phiếu VNM đã tăng từ mức dưới 100,000 đồng/cp lên mức đỉnh 142,000 đồng/cp chỉ trong tháng 10/2015.

Bắt đầu từ đầu tháng 10/2015, khi một trong những nội dung chính của Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đề cập đến việc thoái hết hơn 45% vốn Nhà nước tại Vinamilk cùng 9 doanh nghiệp lớn khác.

Ngay sau đó, đến ngày 19/10, một bài viết trên Bloomberg dẫn lời bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành Vinamilk cho biết, Vinamilk sẵn sàng nâng sở hữu nước ngoài lên mức mà Chính phủ cho phép, đồng thời sẽ tiến hành gặp gỡ nhà đầu tư châu Âu ngay trong quý 4/2015. Việc bán vốn nhà nước và khả năng nới room tại công ty Sữa lớn nhất Việt Nam khiến thị trường trở nên hưng phấn với những suy đoán về khả năng "kén rể" ngoại, đẩy giá cổ phiếu VNM tăng vọt hơn 40% chỉ trong vỏn vẹn 1 tháng.

Đến đầu tháng 3/2016, để mở đường cho vấn đề nới room, Vinamilk đã có văn bản gửi các cổ đông lấy ý kiến và được chấp nhận về việc rút khỏi/ điều chỉnh đăng ký kinh doanh tại một số ngành nghề. Theo nội dung của văn bản đây là những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc không có hoạt động kinh doanh sinh lời trên thực tiễn. Theo đó, Vinamilk đã được thông qua rút khỏi 7 ngành nghề, ngoài ra công ty còn điều chỉnh nội dung 2 ngành nghề khác.

Cơ cấu sở hữu tại VNM tính đến 7/8/2015
Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2015.

Và mới đây, theo báo cáo thường niên năm 2015 được Vinamilk công bố kèm tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Công ty đã ở mức trần 49%. Trong số đó, cổ đông nước ngoài là tổ chức chiếm tới 48.65%.

Cũng theo danh sách này, 2 cổ đông lớn nhất của Vinamilk hiện tại là SCIC với sở hữu 45.06% và F&N Dairy Investment Pte Ltd với sở hữu 11.03%.

Trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 mới được Vinamilk công bố, vấn đề thứ 8 được đưa ra thảo luận tại Đại hội sẽ là tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk, tuy nhiên nội dung chi tiết về vấn đề thảo luận hay tỷ lệ sở hữu tối đa được HĐQT trình cổ đông không được tiết lộ cụ thể.

Kế hoạch lãi trước thuế 2016 hơn 10,000 tỷ đồng

Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2016 sẽ được HĐQT trình tại Đại hội, doanh thu dự kiến của Vinamilk đạt 44,560 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2015. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 10,020 tỷ và 8,266 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2015 (mức thuế suất TNDN dự kiến tỷ lệ 17.5%). Cổ tức năm 2016 tiếp tục được chi trả với tỷ lệ tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.

Cũng theo tờ trình này, tổng mức đầu tư từ 2012 - 2016 của Vinamilk sẽ được điều chỉnh giảm từ 12,996 tỷ xuống 12,500 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào công ty con - liên kết khác dự kiến giảm 1,000 tỷ chỉ còn hơn 1,346 tỷ đồng.