Đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong XK thủy sản

Đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong XK thủy sản

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát đề xuất bãi bỏ 13 thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa 54 TTHC trong 105 TTHC liên quan đến xuất khẩu thủy sản nhưng Bộ Tư pháp vẫn đề nghị Bộ NN và PTNT nghiên cứu, cắt giảm thêm 30 TTHC, đơn giản hóa 60 TTHC.

Tổng số thủ tục hành chính (TTHC) mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định và tiến hành rà soát là 105 TTHC với 3 nhóm quy trình.Theo kết quả rà soát, trong tổng số 105 TTHC được rà soát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị giữ nguyên 38 TTHC và đề nghị đơn giản hóa 67 TTHC.

Phương án đơn giản hóa TTHC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra một số giải pháp cải cách mạnh mẽ giúp cắt giảm TTHC không cần thiết, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả nghiên cứu độc lập và ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13 tháng 6 năm 2016, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, cắt giảm thêm 30 TTHC không cần thiết, sửa đổi bổ sung 60 TTHC đồng thời cũng đề xuất bãi bỏ 11 thủ tục con phát sinh do quá trình chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu, điều kiện, điều kiện kinh doanh của chuỗi TTHC liên quan đến xuất khẩu thủy sản mà chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê.

Theo đó, nội dung các phương án đơn giản hóa mà Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung tập trung theo các hướng.

Thứ nhất, thay đổi cơ chế, phương thức quản lý nhằm cắt giảm các TTHC không cần thiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thứ hai, đề nghị bãi bỏ các TTHC “con”; bãi bỏ hoặc gộp các bước không cần thiết trong quy trình thực hiện đối với một số thủ tục thẩm tra hồ sơ.

Thứ ba, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro với các thủ tục kiểm dịch, chứng nhận chất lượng cho thủy sản, sản phẩm thủy sản được sản xuất từ các cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để miễn, giảm thực hiện các thủ tục này; áp dụng chế độ công nhận lẫn nhau đối với hàng hóa từ các quốc gia có điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, quy chuẩn kiểm tra an toàn thực phẩm bằng hoặc cao hơn Việt Nam,…

Thứ tư, rà soát và đề xuất bãi bỏ các TTHC can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, vi phạm quyền tự do kinh doanh; các thủ tục đăng ký xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra.

Thứ năm, nghiên cứu và đề xuất liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý phân hạng cơ sở để đổi mới cách thức thực hiện TTHC; bãi bỏ các thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y do lồng ghép với chứng nhận cơ sở an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm,…

Thứ sáu, thực hiện xã hội hóa đối với hoạt động đánh giá cơ sở khảo nghiệm, các hoạt động kiểm tra, kiểm dịch chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản, sản phẩm thủy sản, chất lượng con giống, chất lượng thức ăn thủy sản../.