Hậu Brexit: Chứng khoán toàn cầu bốc hơi hơn 2 ngàn tỷ USD trong “Ngày thứ Sáu đen tối”

Hậu Brexit: Chứng khoán toàn cầu bốc hơi hơn 2 ngàn tỷ USD trong “Ngày thứ Sáu đen tối”

2.08 ngàn tỷ USD bị quét sạch khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu trong “ngày thứ Sáu đen tối” sau khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) là mức tổn thất nhiều nhất trong 1 phiên từ trước đến nay, Standard & Poor’s (S&P) cho biết.

 

Theo S&P, mức thất thoát này cao hơn cả vụ phá sản của Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán vào “Ngày thứ Hai đen tối” năm 1987.

Được biết, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã ngã nhào sau kết quả đầy bất ngờ của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/06, với việc người Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rút khỏi EU với tỷ lệ 52%/48%.

Các thị trường châu Âu đã bị tác động nặng nề nhất với Milan và Madrid mỗi thị trường lao dốc hơn 12%, đánh dấu đà sụt giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Có thời điểm trong ngày thứ Sáu, chỉ số FTSE 100 của Anh hạ gần 9% trước khi rút ngắn đà sụt giảm còn 3.15%.

Đà tháo chạy bắt đầu tại châu Á, với chỉ số Nikkei 225 rơi tự do 7.9% và lan sang Phố Wall với S&P 500 rớt 3.6%.

Mohit Bajaj, Giám đốc Bộ phận Giải pháp Giao dịch ETF của WallachBeth Capital LLC tại New York, cho biết mức độ nghiêm trọng của đà bán tháo một phần là do nhà đầu tư đã không đánh giá đúng về mức độ tác động và đặt cược sai.

Xét về giá trị đồng USD, mức tổn thất trong ngày thứ Sáu còn cao hơn cả kỷ lục trước đó xác lập vào ngày 29/09/2008 khi Quốc hội Mỹ bác bỏ gói giải cứu Phố Wall trị giá 700 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính. Vào ngày đó, các thị trường toàn cầu bị mất trắng 1.94 ngàn tỷ USD.

Mức tổn thất này được xác định dựa trên S&P Global Broad Market Index (BMI), chỉ số bao gồm thị trường cổ phiếu của 47 quốc gia trên toàn thế giới.

Đà sụt giảm vốn hóa trong ngày thứ Sáu chiếm 4.7% tổng vốn hóa thị trường, chỉ thấp hơn so với 7 lần sụt giảm vốn hóa trong cuộc khủng hoảng tài chính. Mức sụt giảm mạnh nhất, xét về tỷ lệ phần trăm, trong suốt giai đoạn đó là 6.92%, tương ứng mức thất thoát 1.65 ngàn tỷ USD, diễn ra vào ngày 15/10/2008, khi thị trường hoảng sợ về cuộc suy thoái sâu.

Một chỉ số khác theo dõi diễn biến của các thị trường chứng khoán toàn cầu là MSCI All-Country World Index, giảm 4.76% trong ngày thứ Sáu, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 08/08/2011, khi chỉ số này trượt 5.09% giao dịch phiên giao dịch đầu tiên sau khi S&P hạ xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ./.