Ở ta cũng có “thiên đường thuế” địa phương!

Ở ta cũng có “thiên đường thuế” địa phương!

Gần đây, dư luận đang quan tâm việc các doanh nghiệp Việt Nam hình thành công ty vỏ bọc tại những thiên đường thuế để lách thuế thu nhập một cách hợp pháp. Trước đó, dư luận cũng từng ầm ĩ việc các công ty đa quốc gia dùng biện pháp chuyển giá để tránh việc nộp thuế thu nhập tại Việt Nam.


Panama được nhiều người coi là "thiên đường thuế". Ảnh minh họa

Cốt lõi của các biện pháp này là tạo thành một chuỗi công ty nội bộ có phát sinh mua bán với nhau, đặt tại các nước khác nhau, sau đó dùng biện pháp hạch toán kế toán để đưa phần lớn lợi nhuận sang công ty đặt tại quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp nhất, để giảm số thuế phải nộp. Điều này là hợp pháp.

Thiệt hại thuế cho các quốc gia không phải thiên đường thuế là điều ai cũng nhận ra. Các quốc gia - không riêng Việt Nam - đã quan tâm đến vấn đề này từ lâu, và cuộc chiến chống chuyển giá luôn tiếp diễn, không ngừng nghỉ.

Thế nhưng các địa phương ở Việt Nam lại vô tình có chính sách tạo điều kiện sinh ra các “thiên đường thuế” hỗ trợ cho việc lách thuế ngay trên lãnh thổ mình.

Bạn không đọc nhầm, cũng không có lỗi in ấn ở đây!

Từ lâu, một số địa phương ở Việt Nam có chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển các vùng còn khó khăn, mục tiêu là thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, tạo công ăn việc làm tại chỗ, phát triển kinh tế địa phương. Mục tiêu đúng, nhưng các địa phương đã chọn cách làm dễ nhất: miễn, giảm thuế TNDN trong một số năm nào đó.

Về phía doanh nghiệp, với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, tất nhiên hồ hởi ca ngợi biện pháp này và hành động ngay: đầu tư vào các địa phương trên. Kết quả thật đẹp trong báo cáo cuối năm của địa phương với số doanh nghiệp mới thành lập, số vốn thu hút đầu tư, số việc làm tạo ra...

Đẹp như thế nên các nơi khác sẽ học hỏi, và còn làm tốt hơn: số năm miễn thuế nhiều hơn, số thuế giảm nhiều hơn. Và kết quả có hậu sẽ xuất hiện ngay.

Cứ thế, việc miễn giảm thuế được nhân rộng.

Trở lại đầu bài viết, điều kiện cần để lách thuế là phải có sự chênh lệch về thuế suất thuế TNDN. Tất cả đã có sẵn ở Việt Nam!

Giả sử một doanh nghiệp có tổng chi phí đầu vào trên sản phẩm là 8 đồng, giá bán 10 đồng. Do thành lập ở địa bàn không “ưu đãi đầu tư” nên phải đóng thuế TNDN cho 2 đồng lợi nhuận đó.

Nên doanh nghiệp lập những công ty con tại các địa phương ưu đãi đầu tư với danh nghĩa là nhà phân phối hoặc đơn vị thực hiện khâu cuối cùng của quy trình sản xuất như đóng chai, vô bao,... Công ty mẹ bán cho công ty con với giá 9 đồng, công ty con bán ra thị trường 10 đồng. Công ty mẹ nộp thuế trên lợi nhuận 1 đồng, công ty con nộp thuế của phần 1 đồng sau khi trừ chi phí hoạt động. Do thuế suất thuế TNDN của công ty con thấp hơn hay được miễn thuế nên doanh nghiệp giảm đáng kể số thuế phải nộp. Hoàn toàn hợp pháp và được các địa phương hoan nghênh.

Đây là một thực tế đang xảy ra chứ không phải suy diễn hay giả sử. Cộng đồng doanh nghiệp đã biết điều này từ lâu, và cũng như các địa phương, họ đang học hỏi mô hình “thành công” và cách làm của nhau (nhưng khác là không có báo cáo thành tích số thuế đã giảm được thay vì phải nộp!) Nếu địa phương này hết thời gian ưu đãi, họ sẽ chuyển sang “thiên đường thuế” khác luôn có ở Việt Nam, vì cơ bản phần lớn các tỉnh nước ta đều cần giải quyết việc làm, cần thu hút đầu tư, và đều lựa chọn cách miễn giảm thuế.

Người viết không có ý nói tất cả doanh nghiệp thành lập công ty con tại địa bàn ưu đãi đầu tư là nhằm né thuế. Nhưng có một thực tế là ngân sách đang thất thu, và do chính chúng ta tạo ra!

Trên thế giới, do mỗi quốc gia đều có chủ quyền nên chính phủ các nước dù bực mình với thiên đường thuế, cũng chẳng làm được gì để dẹp bỏ. Việt Nam hoàn toàn có thể hành động ngay để dẹp bỏ các thiên đường thuế tự tạo này (tất nhiên phải đồng loạt cả nước, không ưu ái, vì chỉ cần một nơi “trũng” là thành thiên đường thuế ngay). Nếu ưu đãi về thuế thì phải đi kèm những điều kiện ngặt nghèo và phải hậu kiểm để bảo đảm các điều kiện này được tuân thủ.

Việc siết lại như thế còn nhằm khiến các địa phương không thể chọn cách dễ nhất nhưng không bền vững là miễn giảm thuế, rồi tự hài lòng với thành tích thu hút đầu tư của mình mà phải chọn cách làm khó hơn, cần nhiều cố gắng và quyết tâm hơn nhưng bền vững: cải cách thủ tục hành chính, dẹp tham nhũng vặt và sách nhiễu doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết những khó khăn do quy định con người tự tạo để làm khó nhau, hình thành phong cách quản lý hướng đến phục vụ doanh nghiệp.

Tôi tin những doanh nhân chân chính, có tâm có tầm sẽ ủng hộ các địa phương có cách làm này. Thà lựa chọn việc tâm trí nhẹ nhõm do không còn bị làm khó, dành thời gian để suy nghĩ phát triển thị trường, cải tiến sản phẩm, hơn là mệt mỏi hao tâm tổn trí với bao thủ thuật kế toán, lách tới lách lui!

Xem thêm chủ đề: 

Hồ sơ Panama

Nguyễn Hồng Huy

TBKTSG