Thông tư 20, “quả bóng” trong chân ai?

Thông tư 20, “quả bóng” trong chân ai?

Các điều kiện kinh doanh trong Thông tư 20 năm 2011 của Bộ Công Thương sẽ có số phận như thế nào, bị bãi bỏ, hay được tiếp tục tồn tại sau 1-7 tới?

Điều kiện kinh doanh trong Thông tư 20 sẽ được quyết định trong nay mai. Ảnh: TL

Đây là câu hỏi đáng quan tâm trong bối cảnh Bộ Công Thương đang hoàn tất dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung, banh hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương để phù hợp với tinh thần thông thoáng của Luật Đầu tư.

Nguồn tin của TBKTSG Online cho biết, dự thảo nghị định này không hề nhắc đến Điều 1, Thông tư 20 yêu cầu thương nhân phải có giấy ủy quyền hoặc giấy chỉ định của chính hãng sản xuất. Đây là điều gây bức xúc nhất cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nội địa yếu thế.

Dự thảo nghị định không bao gồm Điều 1 của Thông tư 20 có nghĩa là quy định trên có thể sẽ tiếp tục tồn tại dưới dạng thông tư. Điều này được xác nhận khi một nguồn tin từ Bộ Công Thương lý giải rằng, quy định này chỉ là thủ tục hành chính, không phải là điều kiện kinh doanh, do đó vẫn giữ ở thông tư.

Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp, Điều 1 của Thông tư 20 của Bộ Công Thương được “nâng cấp” vào trong dự thảo nghị định nêu trên.

Như vậy, dù là ở dạng văn bản nào, thì yêu cầu thương nhân phải có giấy ủy quyền hoặc giấy chỉ định của chính hãng sản xuất vẫn đang được Bộ Công Thương giữ lại.

Động thái này là điều rất đáng quan tâm trong bối cảnh có rất nhiều ý kiến phản đối, kêu ca từ cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, từ các nhà kinh tế, từ báo chí trong suốt 5 năm qua.

Thậm chí, tại một hội thảo tuần trước của VCCI để thu thập ý kiến về các điều kiện kinh doanh phi lý để báo cáo Chính phủ, có doanh nghiệp đã than khi lâm vào tình cảnh khó khăn, phá sản; và cho rằng, cả nước có 200 doanh nghiệp nhập khẩu vào năm 2011, mà giờ chỉ còn vỏn vẹn 20 “vì quy định này”.

Song, quy định này tất nhiên cũng làm các nhà sản xuất mỉm cười: họ chính là những người hưởng lợi nhất, và có khả năng áp đặt thị trường. Điều này lý giải vì sao VAMA lại luôn tha thiết giữ quy định này.

Một điều tương phản là trong khi lượng xe nhập khẩu ngày càng lớn, kim ngạch xuất đi ngày càng tăng, mà giá xe không hề hạ. Rốt cuộc, người tiêu dùng lãnh đủ.

Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng và là người phát ngôn Bộ Tư pháp, khẳng định Bộ Tư pháp đã phản đối việc giữ quy định này và đã nêu rõ trong công văn thẩm định của Bộ Tư pháp trình Chính phủ.

Được biết, VCCI cũng đề nghị bỏ quy định này dù là ở cấp thông tư, hay nghị định.

Điều kiện kinh doanh phải theo đúng quy định của Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014. Đó là không chỉ vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mà còn phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

Dù đã quy định rất rõ ràng trong luật, song những luồng quan điểm trên cho thấy Thông tư 20 đang giống như “quả bóng”. Ai có thể ghi bàn?

tbkstg