Xuất khẩu cá da trơn: Tự mình xây “rào cản”

Xuất khẩu cá da trơn: Tự mình xây “rào cản”

Trong khi, Hạ viện Hoa Kỳ chưa thông qua hủy bỏ Chương trình giám sát đối với cá da trơn Việt Nam thì Cơ quan kiểm tra và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cách đây ít ngày lại có cảnh báo sản phẩm của hai doanh nghiệp Việt Nam bị nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm theo quy định của Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad).

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây có thể sẽ là cái “cớ” để Hạ viện Hoa Kỳ tiếp tục kéo dài thời gian đồng ý đối với việc hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn Việt Nam cũng như việc đánh giá chất lượng tương đương trong giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng (từ 1/3/2016 đến 31/8/2017) khi phía Việt Nam làm hồ sơ để Cơ quan Thanh tra về An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) công nhận tương đương.

Tiền lệ xấu

Chuyện những lô hàng cá tra Việt Nam bị phía đối tác cảnh báo và trả về vì nghi nhiễm chất cấm có lẽ đã thành “tiền lệ” xấu đối với ngành thủy sản. Điều này cho thấy, sự liên kết giữa người nuôi thủy sản và nhà chế biến vẫn không chặt chẽ. Người nuôi vẫn “ôm” tập quán nuôi thả lạc hậu, còn nhà chế biến chỉ biết tìm thị trường và bán hàng mà thiếu quan tâm đến chất lượng sản phẩm ngay từ khâu nguyên liệu.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2016 xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục giảm khoảng 5% so với năm 2015, tương đương khoảng 1,5 tỉ USD. Việc Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn là nguyên nhân làm xuất khẩu tiếp tục sụt giảm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trên thế giới còn có nhiều sự lựa chọn tương đồng khác ngoài sản phẩm cá tra như: cá tuyết, cá rô phi, cá minh thái…

Ở góc nhìn của người trong cuộc, ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú cho biết, cá tra Việt Nam không “mạnh” như mình đã từng nghĩ”. Vì thực tế, trong chuyến đi dự hội chợ thủy sản Brussels (Bỉ) mới đây, ông Nguyên thấy rằng, con cá tra Việt Nam đang “rất nhỏ xíu” trong nhận xét đánh giá của thị trường thế giới. Ông Nguyên dẫn chứng, khi tham quan gian hàng trưng bày thủy sản của các nước, họ treo những tấm bảng lớn để giới thiệu tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã đạt được như ASC, SQF, GlobalGAP. Trong khi đó, con cá tra của Việt Nam chưa chú trọng quảng bá các tiêu chuẩn này.

“Việc lô hàng của hai doanh nghiệp bị trả về vì nghi nhiễm chất cấm lần này rất có thể là một rào cản lớn đối với con cá tra Việt Nam vốn đang được kỳ vọng sẽ rộng đường vào thị trường Mỹ những ngày gần đây. Đó là chưa kể trong tương lai, con cá tra Việt Nam vẫn sẽ phải đối diện với nhiều sự kiểm soát ngặt nghèo từ các nước nhập khẩu khác”. – ông Nguyên chia sẻ.

Bởi cách làm manh mún

Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, Nguyễn Việt Thắng cho rằng, ở Mỹ, họ nuôi cá giống bằng tự nhiên, trong khi đó, tại Việt Nam sản xuất giống nhân tạo và dễ lạm dụng kháng sinh. Do vậy, ông Thắng nhấn mạnh, cần chú trọng đến sản xuất cá giống, đảm bảo hài hòa lợi ích theo chuỗi giá trị. Thực tế, một số chuỗi sản phẩm cá tra được thí điểm hơn năm nay ở tỉnh Đồng Tháp và An Giang cho kết quả tốt, ngành ngân hàng đang tổng kết để mở rộng. Đồng thời, ông Thắng cũng kiến nghị, Bộ NN- PTNT, Bộ Công Thương cho phép Hiệp hội có quyền công bố danh sách các thành viên trong Hiệp hội không tuân thủ các cam kết, quy chế, điều lệ trong phát triển ngành hàng bền vững, ban hành các chế tài phạt các thành viên này khi Hiệp hội công bố danh sách… Như vậy sẽ tạo được tính chủ động và liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong xuất khẩu.

Có lẽ, gần 10 năm trước, cá tra được mệnh danh là “cá vàng” của Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu chiếm đến 99,9% thế giới. Lúc đó, cá tra tăng trưởng rất mạnh, các Việt Nam chế biến và xuất khẩu cá tra ồ ạt thành lập, doanh thu xuất khẩu cá tra hàng năm lên đến cả tỉ USD. Thế nhưng, từ năm 2011 đến nay, hình ảnh con cá tra Việt Nam không còn “sáng” trên bản đồ thị trường thủy sản thế giới bởi cạnh tranh thị trường ngày càng khắc nghiệt, yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao, trong khi đó, cả người nuôi và người chế biến vẫn đi sau một nhịp với yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Thực tế, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có những hành động thiết thực để từng bước đưa vùng nuôi cá tra vào tầm kiểm soát và phát triển ổn định. Từ tháng 6/2015 đến nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu đã gắn được “bộ định vị” cho con cá tra ĐBSCL. Theo đó, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra đã giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo sự công khai đối với thị trường và tăng thêm lợi ích cho các Việt Nam chế biến, xuất khẩu lẫn hộ nuôi.

Tuy vậy, khó khăn trong chuyển đổi cách thức vận chuyển, giống cá không đạt chuẩn vẫn là những “rào cản” mà Việt Nam xuất khẩu cá da trơn Việt Nam phải tính cách hóa giải.

Mai Thanh

Diễn đàn doanh nghiệp