Tạo lực cho tôm Việt

Tạo lực cho tôm Việt

Hiện con tôm Việt đã và đang “bơi” đến 75 thị trường. Trong tương lai, tôm Việt có một thị trường vô cùng rộng lớn tới 7 tỷ người trên thế giới. Chỉ riêng khi Việt Nam gia nhập ASEAN, tôm Việt đã tới bàn ăn của 600 triệu người.

Như vậy, Việt Nam có đủ khát vọng và thực lực trở thành cường quốc tôm trên thế giới. Và, muốn khát vọng trở thành hiện thực, tôm Việt phải vượt qua chính mình, không ngừng nâng tầm giá trị, vươn tới những “kỷ lục” mới.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nuôi tôm ở Việt Nam - cái gốc của xuất khẩu - còn thấy không ít bất cập. Hãy xem câu chuyện tôm giống - gốc của cái gốc.

Lâu nay, phần lớn giống tôm bố mẹ ở Việt Nam đều nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Thái Lan, Mexico hoặc giống tôm sú khai thác ngoài tự nhiên. Bất cập lớn nhất là cơ sở nuôi tôm giống lấy nguồn tôm trôi nổi, không rõ nguồn gốc để sản xuất hoặc nhập giống không bảo đảm chất lượng, nuôi trong điều kiện môi trường không thích hợp nên khả năng sống sót thấp.

Theo nhiều chuyên gia, chất lượng con giống quyết định tới 70% sự thành công của người nuôi tôm thịt. Vì vậy, cần thay đổi cách tiếp cận mới với con tôm. Có một sự so sánh, dù có thể hơi khiên cưỡng, nhưng cho thấy hai cách tiếp cận con tôm và hiệu quả khác nhau.

Ecuador đi theo hướng giống tôm kháng bệnh, nuôi mật độ thấp (10-30 con/m2), năng suất 1-1,25 tấn/ha/vụ, tỷ lệ nuôi thành công trên 90%, giá thành tôm nuôi thấp, chỉ khoảng 55.000 đồng/kg tôm loại 50 con/kg, thực sự là một cường quốc tôm.

Trong khi đó, Việt Nam tiếp cận theo hướng tôm sạch bệnh, nuôi mật độ cao (từ 80-120 con/m2), năng suất 5-10 tấn/ha/vụ, nhưng tỷ lệ nuôi thành công dưới 30%, giá thành lên tới gần 100.000 đồng/kg loại 50-60 con/kg. Vì thế, tôm Việt đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, giá thành cao và tính cạnh tranh kém.

Tương tự nhiều lĩnh vực nông nghiệp khác như lúa, ngô..., giống là điều kiện đầu tiên để tái cấu trúc chuỗi giá trị tôm Việt. Tại sao chúng ta không làm được như Ecuador? Và ai sẽ tiên phong thực thi theo tư duy mới?

Có một cách tốt nhất: Hai nhà - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp - bắt tay nhau lai tạo giống tôm kháng bệnh và nuôi trên các vùng nuôi tôm mới làm “đầu tàu” kéo theo những vùng nuôi tôm khác, tạo thế và lực mới cho tôm Việt. Song, mong muốn sẽ bất khả thi nếu không có “tâm” và “tầm”.

Trần Phương

công thương