Triển khai các dự án truyền tải điện: Vướng giải phóng mặt bằng

Triển khai các dự án truyền tải điện: Vướng giải phóng mặt bằng

Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nhiều nỗ lực trong thi công xây dựng, nhất là các dự án truyền tải, nhưng nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng.

Nhiều dự án truyền tải điện có nguy cơ chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng

Nguy cơ chậm tiến độ

Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, tính đến cuối tháng 7/2016, hầu hết các công trình nguồn điện như thủy điện: Lai Châu, Trung Sơn, Sông Bung 2, Thác Mơ mở rộng, Đa Nhim mở rộng; các nhà máy nhiệt điện như Thái Bình, Duyên Hải 3 mở rộng... đều bám sát tiến độ. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch, các dự án điện, đặc biệt là dự án truyền tải điện chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) và thiếu vốn.

Đơn cử như Dự án đường dây 220 kV Phan Thiết - Phú Mỹ 2 mới kéo được 118/140,2km, phần còn lại chưa thể thi công vì vướng đền bù GPMB đối với 2 vị trí trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn - rẽ Bình Tân mới kéo được 9,3/16km cũng vì vướng bồi thường GPMB.

Nhiều dự án truyền tải ở phía Bắc cũng lâm vào cảnh tương tự. Cụ thể, đường dây 500 kV/220 kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2 mới bàn giao mặt bằng 80/145 vị trí, đúc móng 49/145 vị trí, dựng được 14 vị trí cột; đường dây 220 kV Hòa Bình - Tây Hà Nội mới dựng được 89/123 vị trí cột, kéo dây 5,5/50,6km; còn 16 vị trí cột trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vướng đền bù. Ngoài ra, một số dự án quan trọng khác cũng vướng mắc đền bù GPMB như TBA 500 kV Phố Nối; đường dây 220 kV Bảo Thắng - Yên Bái tiến độ thi công rất chậm, mới kéo được 58/119 km đường dây.

Cũng theo ông Tài Anh, EVN và các đơn vị đã quyết liệt vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có tăng cường phối hợp với địa phương, nhưng vẫn không tiến triển, thậm chí có công trình đã 5 lần thương thuyết vẫn chưa thành công.

Cần giải pháp đồng bộ

Qua tìm hiểu thực tế, các dự án của ngành điện bị kéo dài là do các quy định theo Luật Đầu tư công; Luật Đất đai; hàng loạt Nghị định như 14, 43, 44/2014/NĐ-CP...; các thủ tục hồ sơ theo yêu cầu của các nhà tài trợ vốn hoặc ngân hàng cho vay…

Một nguyên nhân khác khiến dự án chậm tiến độ là do vướng mắc trong khâu đền bù GPMB. Đơn giá quá thấp, có sự chênh lệch giữa các địa phương, nhất là vùng giáp danh nên người dân không chịu nhận tiền đền bù.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án điện cần có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn từ cơ chế, chính sách chủ yếu liên quan đến các quy định thời gian phê duyệt dự án và khung giá đền bù đất đai, tài sản cho người dân, tổ chức.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương trong việc hỗ trợ, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, gây khó dễ, cản trở việc thực hiện dự án; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tham vấn cộng đồng trước, trong quá trình thực hiện dự án.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện, tại cuộc họp giao ban trực tuyến Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan bám sát kế hoạch, tăng cường phối hợp với địa phương; nghiên cứu phân cấp, phân quyền trong phê duyệt dự án, hỗ trợ giúp đỡ EVN đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng, vừa đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu của Chính phủ, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việc chậm tiến độ các dự án không chỉ gây thiệt hại cho ngành Điện và các nhà thầu về tài chính, nhân lực thi công - bảo vệ, hư hại vật tư khi đã tập kết, mà còn gây áp lực cung cấp điện, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Đình Dũng

Báo Công Thương điện tử