VSSA đề xuất bảo hộ ngành mía đường đến sau 2018

VSSA đề xuất bảo hộ ngành mía đường đến sau 2018

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp tục duy trì mức thuế nhập khẩu đường 5% trong nội khối ASEAN đến sau năm 2018 để tăng khả năng cạnh tranh cho ngành mía đường trong nước.

VSSA kiến nghị bảo hộ ngành đường đến sau năm 2018. Trong ảnh là nông dân tỉnh Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh.

Thông tin trên được bà Vũ Thị Huyền Đức, Phó chủ tịch VSSA, đưa ra tại hội nghị “Vụ sản xuất mía đường 2016-2017” được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vào chiều hôm qua, 27-8.

“Bộ Tài chính đã có thông tư xác định mức thuế nhập khẩu (đường) 5% đến năm 2018, và ghi nhận (đề xuất này để) sau năm 2018 vẫn duy trì mức này”, bà Đức cho biết thêm.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị nêu trên, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cũng, cho biết Bộ Tài chính đã đồng ý tiếp tục giữ mức thuế nhập khẩu đường 5%. “Còn đến sau năm 2018, thì họ chỉ ghi nhận thôi, mà bây giờ đã kết thúc năm 2018 đâu, cho nên, sau năm 2018 họ mới đưa ra xem xét trên cở sở đề xuất kéo dài (bảo hộ) của mình”, ông Doanh cho biết.

Lý do VSSA đề xuất như trên là do Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành và thuế suất nhập khẩu đường trong nội khối ASEAN sẽ dần giảm về 0% trong bối cảnh khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam là rất kém.

Thực tế, theo bà Đức, AEC được hình thành từ cuối năm 2015 và nhiều dòng thuế nhập khẩu nội khối đã về 0%. “Riêng đối với ngành mía đường, đến năm 2016, trong nội khối, nhiều nước thuế nhập khẩu đã giảm về 0%, thì thuế nhập khẩu đường của Việt Nam vẫn duy trì ở mức 5% và có sự khác biệt với nhiều nước trong khối”, bà cho biết.

Cụ thể, thông tin được VSSA công bố tại hội nghị, cho thấy đối với đường thô, thuế suất áp dụng tại các nước Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore trước và sau khi hình thành AEC đều là 0%; Philippines và Indonesia trước khi hình thành AEC đều là 10% và sau khi hình thành đều giảm xuống còn 5% ; Lào từ 5% giảm xuống 0%; Myanmar áp dụng trong khoảng từ 0-5% cho cả trước và sau khi có AEC; Lào và Việt Nam vẫn duy trì ở mức 5% cho cả trước và sau khi hình thành AEC.

Còn đối với đường tinh luyện, bốn quốc gia gồm Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều áp dụng mức thuế là 0% cho cả trước và sau khi AEC hình thành; Philippines giảm từ 10 xuống còn 5%; Indonesia giảm từ 20% xuống còn 10%; Myanmar vẫn duy trì ở mức từ 0-5% cho cả trước và sau khi AEC hình thành; Campuchia, Lào và Việt Nam vẫn duy trì mức thuế 5% cho cả trước và sau khi AEC hình thành.

Riêng đối với Việt Nam, như đã nêu ở trên, Bộ Tài chính đã chấp thuận duy trì mức thuế 5% cho đến năm 2018, nhưng VSSA đề xuất duy trì mức này cho đến sau năm 2018.

Tại hội nghị hôm qua, VSSA đề ra kế hoạch sản lượng mía ép trong niên vụ 2016-2017 đạt trên 15 triệu tấn so với 12,9 triệu tấn của niên vụ 2015-2016; sản lượng đường niên vụ 2016-2017 đạt 1,46 triệu tấn so với 1,23 triệu tấn của niên vụ 2015-2016.

Trung Chánh

TBKTSG