Cán cân thương mại thặng dư 2.8 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm

Cán cân thương mại thặng dư 2.8 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm

Tổng cục Thống kê đã báo báo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm nay, theo đó cán cân thương mại nước ta hiện đang thặng dư 2.8 tỷ USD.

Cán cân thương mại thặng dư

Cụ thể, tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 128.2 tỷ USD, tăng 6.7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 37 tỷ USD, tăng 5 %, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 91.2 tỷ USD, tăng 7.4%. Được biết, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm nay tăng thấp chủ yếu do giá xuất khẩu bình quân giảm 3.14% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 5.8%, nhóm hàng nhiên liệu giảm 29.6%.

Về nhóm ngành, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 25,0 tỷ USD, tăng 8,6%; dệt may đạt 17,9 tỷ USD, tăng 5.9% đồng thời con sô này tại ngành điện tử, máy tính và linh kiện đạt xấp xỉ 13 tỷ USD, tăng 13.7%, ...Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lĩnh vực dầu thô chỉ đạt 1.7 tỷ USD, giảm hơn 43%.

Mặt khác, về thị trường xuất khẩu thì Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 28.3 tỷ USD, tăng 14.5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này như điện thoại và linh kiện tăng gần 52%, thủy sản tăng 11.4% và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 29.1%. Tiếp đến là EU đạt 24.6 tỷ USD, tăng 9.5%, ngoài ra con số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tương ứng cũng tăng hơn 19%, ...

Cuối cùng, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm nay ít biến động so với cùng kỳ năm trước, theo đó hàng công nghiệp nặng và khoáng sản vẫn chiếm ngôi quán quân với giá trị xuất khẩu gần 60 tỷ USD, tương đương 46% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Song song với đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu sau 9 tháng đạt 125.4 tỷ USD, tăng nhẹ 1.3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51.4 tỷ USD, tăng 2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 74 tỷ USD, tăng chưa đến 1%.

Được biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 36 tỷ USD, tuy đã có giảm nhẹ 1.8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Hàn Quốc lại tăng hơn 9%, đạt 23 tỷ USD, trong đó hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 24.2%.

Về cơ cấu nhóm hàng, có nhóm tư liệu sản xuất đạt 114.5 tỷ USD, chiếm hơn 91% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, trong đó riêng nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu vẫn chiếm hơn một nửa với giá trị đạt 63.4 tỷ USD, tăng nhẹ 1.2%.

Nhóm dịch vụ nhập siêu

Về ngành dịch vụ, xuất khẩu 9 tháng năm nay ước tính đạt 9.2 tỷ USD, tăng 12.8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 6.3 tỷ USD, chiếm 68.2% tổng kim ngạch và tăng 17.9%. Trong khi giá trị nhập khẩu ước tính đạt 12.6 tỷ USD, tăng 3.4%, cụ thể có nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt 6.6 tỷ USD, chiếm hơn 52% tổng kim ngạch. Như vậy,  nhập siêu dịch vụ 9 tháng đầu năm là 3.4 tỷ USD.

Xuất khẩu vẫn lợi thế hơn nhập khẩu về giá cả

Về chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý 3 năm nay tăng 1.19% so với quý trước và giảm 1.72% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý ngành sắt, thép tương ứng đều giảm 1.79% và giảm 25.39%. Tóm lại, tính chung 9 tháng năm 2016, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá giảm 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý 3 tăng 1.15% so với quý trước trong khi giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 7.13% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, tỷ giá thương mại hàng hóa quý 3 năm nay tăng 4.4% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù trong đó tỷ giá thương mại của xăng dầu các loại giảm 2.47%, cao su giảm 7.6%. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, tỷ giá thương mại hàng hoá tăng 4.3% so với cùng kỳ năm 2015, thể hiện giá xuất khẩu hàng hóa vẫn có lợi thế tương đối so với giá nhập khẩu hàng hóa./.