Những “quả bom” mang tên thủy điện!

Những “quả bom” mang tên thủy điện!

Theo DĐDN, lịch sử đất nước chưa bao giờ thấy mạng lưới thủy điện đã bủa vây chằng chịt hệ thống sông ngòi trên khắp cả nước như hiện nay. Và kéo theo đó là biết bao nhiêu hệ lụy, tai ương có thể “ập lên đầu” người dân bất cứ lúc nào.

 

Việc phát triển ồ ạt thủy điện đã kéo theo nhiều hệ lụy, tai ương có thể “ập lên đầu” người dân bất cứ lúc nào. Trong ảnh: Tài sản, hoa màu bị cuốn trôi sau sự cố thủy điện Sông Bung 2 tại Quảng Nam

Không phủ nhận vai trò của thủy điện trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng trong những sự cố liên quan đến thủy điện dồn dập xảy ra trong thời gian qua, vấn đề trách nhiệm trong quản lý thủy điện, công tác quy hoạch, dự báo để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc và ai chịu trách nhiệm cho hậu quả này lại một lần nữa nóng lên trong dư luận.

Thiên tai hay nhân tai?

Ngày 15/9/2016, nhiều người dân tại làng Pà Ooi, xã La Ê (Nam Giang, Quảng Nam) bắt đầu trở về nhà sau sự cố thủy điện Sông Bung 2. Tuy nhiên, tất cả những gì còn lại trước mắt họ chỉ là những bãi đất trống được lấp đầy rác thải, nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất.

Theo thống kê ban đầu của xã La Ê, lũ dữ từ sự cố thủy điện Sông Bung 2 đã khiến 50 hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng, ba ngôi nhà bị “xóa sổ”, nhiều trâu bò, tài sản của người dân đã bị cuốn trôi theo dòng nước. Nghiêm trọng hơn, khi sự cố xảy ra, đã có 2 công nhân lái máy đào bị nước cuốn trôi mất tích – trong đó có 1 công nhân hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể! Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên các sự có liên quan đến thủy điện xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trước đó, vào năm 2013, mưa bão kết hợp với việc các thủy điện xả lũ “đúng quy trình” đã làm hàng chục người chết và mất tích; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hàng chục nghìn nhân khẩu phải sơ tán, làm ngập úng hàng trăm ha lúa, rau màu; làm trôi gia súc, gia cầm,..

Không chỉ riêng Quảng Nam, nỗi “ám ảnh” mang tên thủy điện còn xảy ra ở khắp các địa phương trên cả nước. Tại Quảng Trị, sự cố vỡ đập chắn nước của công trình thủy điện Đakrông 3 do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Trường Sơn làm chủ đầu tư gây thiệt hại lớn đến tài sản người dân cũng từng làm nóng dư luận do chủ đầu tư bưng bít thông tin khi xảy ra sự cố. Hay tại Lâm Đồng, sự có hầm thủy điện Đạ Dâng bất ngờ sập khi hơn 30 công nhân đang làm việc bên trong trong đó 20 người may mắn chạy kịp ra bên ngoài trong khi 12 người bị kẹt lại dù trước đó dự án này đã nhận được nhiều cảnh báo về an toàn trong quá trình thi công. Tại Gia Lai, thủy điện Ia Krêl 2 do Công ty cổ phần công nghiệp và thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư không chỉ vỡ 1 mà vỡ đến 2 lần đã gây thiệt hại rất lớn cho người tài sản và hoa màu của người dân trong khu vực…

Những vụ việc nêu trên chỉ là một trong số ít những sự cố liên quan đến các dự án thủy điện. Và trong thời gian tới, không ai biết được sẽ tiếp tục xảy ra những sự cố gì, thiệt hại như thế nào bởi theo các số liệu thống kê, trên cả nước hiện có 284 công trình thủy điện đang vận hành phát điện; 204 dự án (6,146.56 MW) đang thi công xây dựng, dự kiến sẽ vận hành phát điện trước 2017. Ngoài ra, còn 250 dự án (3,049.2 MW) đang nghiên cứu đầu tư và 78 dự án chưa nghiên cứu đầu tư. Như vậy, khi tất cả những công trình trên hoạt động, cả nước sẽ có khoảng hơn 800 đập nước thuỷ điện cỡ lớn.

Lời giải phù hợp

Là địa phương liên tiếp xảy ra các sự cố liên quan đến thủy điện, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã từng thốt lên rằng: “Chúng ta đã đi một bước sai lầm khi phát triển thủy điện tràn lan. Giờ đi sửa sai nhưng không sửa nổi…”. Và để khắc phục tình trạng này, theo ông Thu, cần rà soát ở tất cả các khâu khi xây dựng một thủy điện, từ khâu thiết kế đến thi công, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. “Đặc biệt, theo tôi, trong thời gian tới cần công khai các Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để giới khoa học có thể tiếp cận và có phản biện xác đáng. Cùng với đó, đây cũng là căn cứ để sau này, người dân và xã hội sẽ có tài liệu để biết xem Chủ dự án đã cam kết những gì nhằm giám sát xem họ có thực hiện đúng cam kết hay không. Cùng với đó, nên bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện Báo cáo ĐTM trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật”...

http://enternews.vn/nhung-qua-bom-mang-ten-thuy-dien.html