Xu hướng nửa cuối tháng 9 và tháng 10: Ẩn số từ hành xử khối ngoại

Xu hướng nửa cuối tháng 9 và tháng 10: Ẩn số từ hành xử khối ngoại

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng triển vọng thị trường vào nửa cuối tháng 9 và tháng 10 sẽ gắn liền với ẩn số từ hành xử của khối ngoại.

Theo MBKE, triển vọng ngắn hạn của thị trường có thể xảy ra theo hai kịch bản. Ở kịch bản tích cực, VN-Index sẽ bật tăng trở lại khi kiểm tra khu vực hỗ trợ vùng 645 điểm và tiếp tục di chuyển trong kênh giá tăng trung hạn với vùng giá đỉnh ngắn hạn kỳ vọng có thể tiếp cận khu vực 700 điểm. Ở kịch bản kém lạc quan hơn, việc xâm phạm hỗ trợ 645 điểm sẽ xảy ra và trạng thái đi xuống trong ngắn hạn có thể khiến VN-Index quay về khu vực 620 điểm, dao động tích lũy sau đó trong vùng 620 – 675 điểm.

Biến số quan trọng ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian tới là giao dịch khối ngoại. Dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 20%), nhưng các giao dịch của khối ngoại luôn được thị trường quan tâm và có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn đến triển vọng của thị trường. Nếu VN-Index (và thị trường nói chung) muốn mau chóng quay lại với xu hướng tăng mạnh mẽ như các tháng trước đó thì yếu tố khối ngoại quay lại mua ròng (hay chí ít là hoạt động cân bằng) sẽ là điều kiện quan trọng cần xảy ra. Và nếu cường độ bán ròng của khối ngoại vẫn duy trì mạnh như hiện nay (tính riêng tại HOSE từ đầu tháng 8 đến nay ghi nhận hơn 5,000 tỷ đồng giá trị bán ròng của khối ngoại), lẽ dĩ nhiên cần suy nghĩ nhiều hơn đến các kịch bản xấu hơn cả trạng thái tích lũy hiện nay của thị trường.

Nhìn vào đồ thị của VN-Index, có thể thấy về chủ đạo, đường giá đã di chuyển tuân theo kênh giá tăng được thiết lập từ đầu năm và nhìn chung các nguyên tắc cần thiết để bảo lưu nhìn nhận xu hướng tăng trung hạn của VN-Index vẫn còn khá đầy đủ.

Trong các nhóm ngành, MBKE cho rằng định giá ngành dược Việt Nam vẫn tương đối rẻ và được hỗ trợ thêm bởi kỳ vọng nới room. Mặc dù các cp dược đã tăng giá mạnh so với đầu năm (DHG +65%, TRA +79%, DMC +191%, IMP +65%,…) nhưng PE bình quân của ngành dược Việt Nam hiện nay chỉ đang ở mức 15 lần, so với mức 30 lần của khu vực.

Ngành xây dựng vẫn giữ vững đà tăng trưởng và kỳ vọng sẽ được duy trì trong quý 3/2016, thể hiện qua 3 khía cạnh là ở phía cung, tiêu thụ các loại VLXD (xi măng, sắt thép) tiếp tục tăng trong tháng 7 & 8/2016; ở phía cầu, các công ty BĐS tiếp tục đầu tư và khởi công nhiều dự án; và Chính phủ đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư XDCB vốn diễn ra chậm trong các tháng đầu năm.

Ngành tiêu dùng đã trở nên hấp dẫn hơn nhờ mức chi tiêu tiêu dùng gia tăng sẽ giúp cho các công ty trong ngành khôi phục và duy trì tăng trưởng doanh số trong năm 2016. Giá dầu giảm cùng với giá cả hàng hóa thế giới cũng giảm càng giúp tiết giảm chi phí cho các công ty trong ngành.

Các doanh nghiệp phân phối ôtô con vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan do các chính sách giảm thuế mới như thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN và thuế tiêu thụ đặc biệt khiến giá bán có xu hướng giảm. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và khá ổn định đã kích thích tiêu dùng trong nước nói chung và hoạt động mua sắm ô tô nói riêng. Theo VAMA, tổng sản lượng ô tô tiêu thụ cả nước bảy tháng đầu năm đã tăng 32% so với cùng kỳ lên 163,863 chiếc. Trong đó, sản lượng ô tô tiêu thụ của các thành viên VAMA tăng 37% so với cùng kỳ lên 147,785 chiếc.

Xem chi tiết tại đây.