Bí quyết nhận diện dòng tiền nóng

Bí quyết nhận diện dòng tiền nóng

Ngoài các yếu tố về mặt cơ bản thì dòng tiền cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc quyết định xem liệu giá có bứt phá trong tương lai hay không. Vì vậy, việc nhận diện dòng tiền là cực kỳ hữu ích cho giới đầu tư.

Nhận biết sự thay đổi về Khối lượng giao dịch

Khối lượng giao dịch vẫn luôn được coi trong bên cạnh các yếu tố như chu kỳ, mẫu hình, sóng Elliott... Phân tích khối lượng là dạng phân tích khá hiệu quả mà những người mới tìm hiểu về phân tích kỹ thuật cũng như các nhà phân tích chuyên nghiệp đều thường xuyên sử dụng.

Khối lượng chính là động lực tạo ra sự dịch chuyển của giá và thường thay đổi trước khi có sự thay đổi đáng kể của giá. Điều này là do sự thay đổi trong tương quan cung và cầu thường xuất hiện ở khối lượng trước khi có thay đổi về giá.

Dưới đây là một ví dụ khá điển hình về phân tích khối lượng trên cổ phiếu FPT – CTCP FPT. Trong giai đoạn tháng 09/2015, khối lượng giao dịch tăng trưởng liên tục và vượt mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 350,000 đơn vị). Kể từ đó, giá liên tục bứt phá mạnh và duy trì đà tăng trong suốt tháng 10/2016 và hai tuần đầu tháng 11/2015.

Đến giữa tháng 11/2015 thì khối lượng giảm sút và thường xuyên ở dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này cũng báo hiệu cho sự suy thoái của giá trong nhiều tháng sau đó và kéo dài cho tới hết tháng 01/2016.

 

Nắm bắt quá trình Tích lũy và Phân phối

Khái niệm tích lũy trong phân tích kỹ thuật là sự dồn nén hàng ngày của khối lượng trong một giai đoạn nhất định để sau đó dẫn đến một sự bùng nổ của giá chứng khoán. Ngược lại, phân phối là hiện tượng tháo hàng từ từ và giá bắt đầu đi xuống mạnh sau đó.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, cùng với khái niệm Kháng cự-Hỗ trợ thì Tích lũy-Phân phối có thể coi là những khái niệm cơ bản nhất của phân tích kỹ thuật.

Khi áp dụng vào thực tế thì nhà đầu tư cần có một số lưu ý như sau:

Thứ nhất, quá trình tích lũy cũng như phân phối thường xuất hiện kèm các phân kỳ giá lên và phân kỳ giá xuống.

Thứ hai, quá trình tích lũy càng dài thì sự bứt phá sau đó nhiều khả năng sẽ càng mạnh.

Quan sát hình bên dưới, chúng ta thấy khi giá cổ phiếu VIC – Tập Đoàn Vingroup điều chỉnh và tích lũy khá lâu trong vùng 32,000-34,000 trước khi có sự bứt phá dứt khoát vào đầu tháng 04/2016.

Tuy nhiên, một dấu hiệu khá rõ nét có thể thấy rõ là phân kỳ giá lên giữa giá và chỉ báo Stochastic Oscillator. Chỉ báo này liên tục tạo ra các đáy mới cao hơn trong khi giá chỉ đi ngang trong kênh hẹp. Điều này báo trước một sự bùng nổ của giá cũng như sự thu hút dòng tiền của thị trường trong những tháng sau đó.