BIDV: Nợ xấu tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận

BIDV: Nợ xấu tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận

CTCK Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra khuyến nghị điều chỉnh giá mục tiêu cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xuống 16,400 đồng/cp vì nợ xấu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng này.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của BID tăng 16.9% nhưng chi phí dự phòng tăng khiến tăng trưởng lợi nhuận trước và sau thuế chỉ còn lần lượt 4.4% và 5% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi và ngoài lãi tăng lần lượt 12.5% và 36.4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chi phí dự phòng tăng mạnh 28.3%. Chi phí dự phòng tăng không gây ngạc nhiên vì BID có gánh nặng dự phòng ngày càng lớn do có tổng nợ xấu chính thức và trái phiếu VAMC lớn nhất trong số các ngân hàng.

Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC 33,800 tỷ đồng và tổng dự phòng cho nợ và trái phiếu VAMC 13,200 tỷ đồng cho thấy quá trình xử lý nợ xấu vẫn sẽ còn kéo dài. Bên cạnh nợ xấu chính thức và trái phiếu VAMC, còn có những khoản nợ từ các khách hàng lớn, nhiều khả năng sẽ được tái cơ cấu mà không phải chuyển nhóm nợ, nên sẽ không bị tính vào con số nợ xấu. Nếu các khoản vay được phép tái cơ cấu thì điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho BID nhưng làm gia tăng rủi ro.

Lượng trái phiếu VAMC mà BID nhận trong năm 2015 là 12,600 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2014 nên dự phòng bắt buộc ghi nhận năm 2016 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2015. Vì phải dự phòng cho trái phiếu VAMC theo quy định nên để giảm chi phí dự phòng, BID đã hạn chế xóa nợ xấu vì hoạt động này không mang tính chất bắt buộc. Nếu BID giữ nguyên tỷ lệ xóa nợ như năm trước (0.3% tổng dư nợ trong quý 2/2015 và 0.8% trong quý 4/2015), nợ xấu sẽ thấp hơn so với mức 2% hiện tại. Giá trị xóa nợ trong 6 tháng đầu năm 2016 bằng 0.1% tổng dư nợ.

Tăng vốn là một vấn đề cấp thiết tại BID mặc dù triển vọng thành công còn chưa rõ ràng. ĐHĐCĐ BID đã thống nhất kế hoạch tăng vốn 27.6% nhưng trong đó 8.5% phát hành quyền mua phụ thuộc vào quyết định hỗ trợ của Chính phủ, và kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8.5% bị Bộ Tài chính phản đối. Do CAR hợp nhất cuối năm 2015 của BID là 9.8%, kế hoạch tăng vốn này là nỗ lực của ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm nay và đảm bảo CAR năm sau đúng quy định. Nếu BID thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn đã đề ra trong năm 2016, ngân hàng vẫn cần thực hiện thêm một đợt phát hành riêng lẻ nhằm duy trì tăng trưởng cho vay 17%-18% từ năm 2017 trở đi.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản BID tiếp tục đi xuống với nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng. Tỷ lệ nợ xấu tăng liên tục trong hai quý qua, từ 1.7% cuối năm 2015 lên 2% vào quý 2/2016. Ngoài ra, nợ nhóm 2 tăng mạnh 49% so với quý 4/2015 và 39% so với quý 1/2016. Nợ nhóm 2 đến nhóm 5 tăng cả về tỷ trọng lẫn giá trị tuyệt đối so với quý 1/2016. Trong 6 tháng đầu năm 2016, BID hạn chế xóa nợ và không bán thêm nợ cho VAMC, khiến tài sản có vấn đề trên bảng cân đối kế toán tăng mạnh. Nói cách khác, do nợ xấu của BID khá lớn, nên khó có thể giảm nếu ngân hàng không tiếp tục xóa nợ hoặc bán nợ. Với tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC lớn nhất trong số các ngân hàng mà VCSC theo dõi, chi phí liên quan đến nợ xấu sẽ tiếp tục cao trong các năm tới.

Nếu không tính thu nhập bất thường, lợi nhuận trước dự phòng của BID 6 tháng đầu năm tăng 4.6% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 21.5%. Nợ xấu đã ảnh hưởng đến BID theo hai hướng: (1) BID phải thoái thu thu nhập lãi khi nợ bị quá hạn, khiến NIM giảm; (2) chi phí xóa nợ, chi phí dự phòng rủi ro và chi phí thu hồi nợ bào mòn lợi nhuận của ngân hàng. Do có lượng nợ xấu và trái phiếu VAMC lớn, chi phí xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận trong các năm tới.

Theo đó, do rủi ro tăng và triển vọng tăng trưởng của BID bị hạn chế bởi khó khăn về tăng vốn, VCSC giảm P/B mục tiêu trên giá trị sổ sách/cổ phiếu 2016 từ 1.3 lần xuống 1.2 lần, giá mục tiêu sẽ được điều chỉnh còn 16,400 đồng/cp.

Tài liệu đính kèm:

BID-20161004-PHTT.pdf