Hai tháng nữa, áp trần giá sữa sẽ hết hiệu lực

Hai tháng nữa, áp trần giá sữa sẽ hết hiệu lực

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2016 của Bộ Tài chính vừa mới được tổ chức, bà Đinh Thị Nương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết các biện pháp quản lý áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2016.

Theo bà Đinh Thị Nương, việc áp đặt giá trần với sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi có hiệu lực từ 01/06/2014 theo Quyết định 1079/2014 do Bộ Tài chính ban hành. Theo đó mức giá bán buôn của nhiều sản phẩm sữa bị khống chế giá trần thấp hơn 10%-15% so với giá bán buôn hiện hành; giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với giá bán buôn.

Để góp phần bình ổn giá sữa và kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm, ngày 07/06/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 5, trong đó thống nhất tiếp tục áp trần giá sữa đến hết ngày 31/12/2016 theo Nghị quyết số 33/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 04/2015. Như vậy, chỉ còn hai tháng nữa, việc áp trần giá sẽ hết hiệu lực.

Bà Nương cho biết thêm, trong khoảng thời gian này Bộ Tài chính sẽ đánh giá, tổng kết từ Trung ương đến địa phương về công tác bình ổn giá sữa để báo cáo Chính phủ. Trường hợp Chính phủ tiếp tục cho áp dụng biện pháp bình ổn giá như hiện nay thì sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 33/NQ-CP. Nếu Chính phủ cho phép dỡ bỏ áp trần giá sữa thì Bộ Tài chính sẽ triển khai một số giải pháp cụ thể để bình ổn giá mặt hàng này trong thời gian tới như phối hợp cơ quan chức năng, bộ, ngành, địa phương kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về giá đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi; rà soát chặt chẽ hồ sơ kê khai giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá và kê khai giá gửi về Bộ Tài chính…

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ chỉ đạo cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra giá nhập khẩu nguyên liệu, giá nhập khẩu thành phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng này; tiến hành tham vấn giá nhập khẩu các sản phẩm kê khai giá cao hơn mặt bằng giá cùng loại tại nước xuất khẩu và các nước trong khu vực để kiểm soát tình trạng tăng giá nhập khẩu đầu vào để tăng giá bán trong nước của các doanh nghiệp phân phối sữa./.