Nam Trung Bộ: Còn ít mô hình sản xuất nông nghiệp xanh

Nam Trung Bộ: Còn ít mô hình sản xuất nông nghiệp xanh

Tại vùng Nam Trung Bộ, các mô hình nông nghiệp xanh mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm là chính, việc triển khai đại trà trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Ảnh: VGP/Minh Trang.

Ngày 30/9, tại TP. Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp với Học viện Chính trị khu vực 3 tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ theo hướng bền vững”.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến nay, toàn vùng Nam Trung Bộ chỉ có 582 mô hình trồng trọt, một mô hình chăn nuôi và 3 mô hình nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn Vietgap.

Nguyên nhân hộ dân không tham gia vì cho rằng không hiểu rõ kỹ thuật và cũng không được địa phương triển khai, hướng dẫn thực hiện mô hình này (chiếm 72% số hộ dân).

Theo kết quả khảo sát tại vùng Nam Trung Bộ, trong tổng số 246 hộ nông dân (được hỏi) thì có tới 37,1% số hộ cho biết chưa từng nghe thông tin về mô hình sản xuất sạch, an toàn Vietgap; còn trong số các hộ có biết thì có đến 58,1% số hộ dân sẽ không tham gia do họ cho rằng mô hình này chưa được triển khai thực tế tại địa phương.

Người dân chưa mặn mà với các mô hình nông nghiệp xanh cũng vì đầu ra không được bảo đảm. 60% hộ nông dân đánh giá rằng mức giá cũng như sức tiêu thụ của các sản phẩm nông nghiệp sạch hiện nay trên thị trường không có sự khác biệt so với các sản phẩm truyền thống.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, công nghệ xanh vào sản xuất nông nghiệp tại vùng Nam Trung Bộ còn rất hạn chế. Hoạt động đẩy mạnh cơ giới hoá, tự động hoá sản xuất gặp nhiều khó khăn do tập quán sản xuất quy mô hộ gia đình theo phương thức canh tác truyền thống, đất đai canh tác manh mún, bị chia cắt bởi vị trí địa lý và địa hình.

Nói về tầm quan trọng của nền nông nghiệp xanh, các nhà khoa học tại hội thảo nhấn mạnh nông nghiệp xanh chính là nền nông nghiệp mà nước ta đang hướng đến. Phát triển mô hình nông nghiệp xanh theo hướng sử dụng các biện pháp hữu cơ, biện pháp sinh học thân thiện môi trường đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng nên các thương hiệu nông sản uy tín, được ưa chuộng.

Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp (Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ), cần ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hoá. Đặc biệt, cần nhanh chóng triển khai dán nhãn bắt buộc đối với các sản phẩm sinh thái, xanh, sạch đi kèm với việc kiểm soát chặt chẽ các hệ tiêu chuẩn về công nghệ, quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ…Điều này sẽ là điểm nhấn mấu chốt để tạo sự phân biệt rõ ràng các sản phẩm nông nghiệp xanh trên thị trường tiêu thụ nông sản, từ đó từng bước nâng cao vị trí của nền nông nghiệp xanh trong chiến lược phát triển vùng, quốc gia.

Các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện quy định, cơ chế bảo đảm chuẩn mực vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm thương mại, kiểm soát tốt nguồn nông sản nhập khẩu hiện nay, đặc biệt là từ đường tiểu ngạch. Xây dựng các công cụ, rào cản phi thuế quan về chất lượng sản phẩm để ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng tràn vào thị trường Việt Nam...

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nam-Trung-Bo-Con-it-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-xanh/287932.vgp