Nhịp đập Thị trường 14/10: Áp lực bán tăng vào cuối phiên

Nhịp đập Thị trường 14/10: Áp lực bán tăng vào cuối phiên

Nhiều diễn biến bất ngờ đã diễn ra trong đợt ATC, nhiều cổ phiếu bị ép về dưới tham chiếu HPG, PVD, GAS, BVH, VCB, ... mặc dù trước đó các cổ phiếu này có giao dịch không quá tiêu cực.

Cũng vì thế, VN-Index đóng cửa chỉ tăng 1.77 điểm, tương ứng mức 0.26%, thấp hơn gần 1 nửa so với mức tăng cao nhất trong phiên. HNX-Index tăng nhẹ 0.13% trong khi UPCoM-Index hiện đã nhảy vọt 0.68%.

Tổng KLGD toàn phiên đạt 220 triệu đơn vị, giá trị ước đạt 3,899 tỷ đồng, tăng mạnh so với các phiên giao dịch liền trước.

14h: Đà tăng bị thu hẹp

Đà hưng phấn có phần chững lại trong thời điểm sắp vào đợt giao dịch ATC. Tỷ lệ tăng điểm của VN-Index chỉ còn 0.38 trong khi đó, HNX-Index quay về sát mức tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu khoáng sản đồng loạt có diễn biến tích cực với hàng loạt cổ phiếu tăng kịch trần như BGM, KHB, KSA, KSH, KSK, ... Cần lưu ý, nhóm cổ phiếu này gần như bị thị trường lãng quên trong một thời gian rất dài do hoạt động SXKD kém khả quan, hậu quả là phần lớn các cổ phiếu này đều có thị giá rơi xuống ở mức rất thấp.

Ở nhóm cổ phiếu thép, HSG may mắn tăng giá nhẹ còn lại các cổ phiếu khác như HPG, NKG, TLH, VGS, ... đều lần lượt rơi khỏi giá tham chiếu, áp lực bán ở nhóm cổ phiếu này chưa có dấu hiệu suy giảm.

Phiên sáng: Cổ phiếu dầu khí hồi phục

Tương quan cung cầu chưa thay đổi nhiều trong phiên buổi chiều, số cổ phiếu tăng giá vẫn nhiều hơn 1 chút so với số lượng cổ phiếu giảm giá, mặc dù vậy, chênh lệch là không quá lớn. Chỉ số tăng chủ yếu do tác động của 8/10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất.

Ở nhóm cổ phiếu thị giá thấp tăng giá mạnh đã bổ sung thêm DCS và KSA. Nhóm cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS, GAS, PVC, ... cũng từng bước lấy lại nhịp tăng được thiết lập từ khi mở cửa.

Phiên sáng: Đồng loạt tăng điểm

Cuối phiên sáng, xu hướng tăng giá đã lan tỏa ra nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác giúp thị trường duy trì mức tăng ổn định ở cả 3 chỉ số.

Trong top 10 vốn hóa sàn HSX, có đến 8 cổ phiếu tạm đóng cửa phiên sáng tại mức trên tham chiếu, BVH (-900) và HPG (-250) là 2 trường hợp giảm giá.

Trước giờ nghỉ giữa phiên, VN-Index vững vàng với mức tăng 0.63%, xếp tiếp theo là UPCoM-Index với 0.48% và HNX-Index tăng nhẹ 0.14%. KLGD đạt mức 121 triệu đơn vị.

10h30: VNM bứt phá, VN-Index tăng vọt hơn 5 điểm

Lực cầu được tập trung vào cổ phiếu lớn nhất thị trường là VNM đã giúp đại diện ngành thực phẩm tăng hơn 2,000 đ/cp, tương ứng mức 1.41%. Cùng với đó, GAS và VCB, cũng ghi nhận mức tăng khá tốt, góp phần lớn giúp VN-Index cộng thêm 3 điểm giá trị.

Giá cao su phục hồi cùng với cam kết từ phía các chủ nợ đang được xem là động lực giúp bộ đôi HAGHNG tăng rất mạnh với dư mua kịch trần khối lượng lớn.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí sau khởi đầu thuận lợi đã bất ngờ quay đầu giảm điểm nhẹ. Tại thời điểm 10h35, thanh khoản toàn thị trường ghi nhận mức 85 triệu đơn vị, GTGD tương ứng đạt 2,184 tỷ đồng.

9h30: Trái chiều

Không được sự trợ giá của các cổ phiếu trụ cột, VN-Index mở cửa giảm nhẹ 0.02%, ngược lại, 2 chỉ số tại Hà Nội đều ghi nhận mức tăng, tuy vậy, số điểm cộng thêm là không đáng kể.

Tình hình cải thiện dần hơn sau đó ít phút khi bắt nguồn từ nhóm dầu khí, đà tăng đang lan tỏa ra nhiều cổ phiếu. Đặc biệt, các cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp vẫn đang hút tiền rất tốt.

Giao dịch trên hai sàn vẫn ở mức thận trọng, riêng CII có thỏa thuận lớn hơn 10 triệu cp ở nhiều lệnh khác nhau, chiếm giá trị hơn 360 tỷ đồng.

Trước giờ giao dịch

Trong 4 phiên đã diễn ra, dấu hiệu dòng tiền chuyển hướng khá rõ nét khi lực cầu đã không còn tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn nhất mà thay vào đó, các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và vừa mới là điểm đến yêu thích hơn của nhà đầu tư.

Được hưởng lợi khi giá dầu hồi phục cùng với những báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3, nhóm cổ phiếu cao su thiên nhiên như HPR, DPR, TNC, … đang cho thấy sức bật mạnh mẽ, mặc dù vậy, thanh khoản vẫn chưa thực sự cải thiện. Nhóm cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp như FLC, ITA, DCS, VHG, HAR, … cũng thu hút dòng tiền đáng kể và tăng điểm tốt.

Trong tuần, khối ngoại quay trở lại mua ròng với giá trị 72.6 tỷ đồng, đây là một bước tiến đáng kể khi biết rằng ở tuần trước, con số bán ròng của khối này lên đến 283 tỷ đồng.

Các chỉ báo kỹ thuật đang dần được cải thiện. Thanh khoản gia tăng nhẹ và độ rộng thị trường có phần nghiêng về phía số mã tăng giá cho thấy lực cầu đang dần trở lại trạng thái tích cực sau những nhịp điều chỉnh trước đó. Với các tín hiệu tích cực đó, khả năng chỉ số sẽ duy trì đà hồi phục trong phiên cuối tuần và test lại vùng đỉnh 690 điểm.