Sau tất cả, cuộc chiến tại EFI đã ngã ngũ?

Sau tất cả, cuộc chiến tại EFI đã ngã ngũ?

Thời gian vừa qua, sau một loạt những thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn và nhân sự, CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục (HNX: EFI) cuối cùng cũng đã đi đến được quyết định tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016. Liệu cuộc chiến tại EFI đã thực sự chấm dứt?

Từ sau khi bà Lã Thị Vân Anh - Nguyên Chủ tịch HĐQT từ nhiệm, EFI bắt đầu "nóng" lên với cuộc chiến quyền lực dai dẳng giữa 2 nhóm cổ đồng là nhóm thành viên HĐQT liên quan đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) - cổ đông lớn sở hữu 12.81% vốn tại EFI và nhóm thành viên HĐQT "ngoại đạo". Trước đó, bà Lã Thị Vân Anh là thành viên HĐQT xuất thân từ NXBGDVN nên thời điểm bà Vân Anh từ nhiệm cũng chính là lúc cán cân quyền lực không còn nghiêng về phía của NXBGDVN.

* Cán cân quyền lực tại EFI và “ván bài” thâu tóm đất vàng?

* EFI: Gom cổ phiếu, xoay chuyển cán cân quyền lực

Bởi, sau khi bà Vân Anh từ nhiệm thì HĐQT còn lại 4 thành viên, việc bầu vị trí Chủ tịch mới trở thành điểm mấu chốt quyết định "sức nặng" của 1 trong 2 nhóm cổ đông, điều này dẫn đến những bất đồng trong nội bộ EFI, khiến hoạt động của Công ty gặp nhiều xáo trộn, điển hình là việc không thể tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bầu thành viên HĐQT mới, không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, hay công bố các BCTC năm 2015. Và hệ lũy tất yếu xảy ra là cổ phiếu EFI đã bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 13/07, do vi phạm quy định về công bố thông tin.

* Tiến thoái lưỡng nan tại EFI

Tưởng rằng cuộc chiến tại EFI sẽ không có hồi kết, nhưng mới đây một loạt thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn, thay đổi trong nhân sự chủ chốt cùng với việc thống nhất bầu ra được Chủ tịch HĐQT "tạm thời" và tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 có thể là những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến đã ngã ngũ.

Bên nào chấp nhận buông tay?

Động thái đầu tiên cho thấy sự thay đổi là khi cá nhân Nguyễn Tuấn Anh đăng ký bán toàn bộ 323,900 cp (tỷ lệ 2.98% vốn) từ ngày 14/07 đến 12/08. Đây là lượng cổ phiếu được ông Tuấn Anh "vất vả" gom góp từ cuối tháng 12/2015, với nỗ lực muốn nắm giữ 1 triệu cp EFI. Trong lần đầu tiên đăng ký bán này, ông Tuấn Anh đã không thể thực hiện thành công với lý do giá chưa đạt như kỳ vọng.

Cần biết rằng ông Tuấn Anh là 1 trong 2 thành viên HĐQT thuộc nhóm "ngoại đạo" tại EFI, hiện là thành viên HĐQT của CTCP Xây dựng Sông Hồng - ICG, trước đó ông Tuấn Anh là Chủ tịch HĐQT (bị miễn nhiệm vào tháng 5/2015) của CTCP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam (HOSE: PVR) - đơn vị sở hữu 7.03% vốn của EFI (tính tới 31/12/2015).

Tiếp theo, vào đầu tháng 9, ông Tuấn Anh tiếp tục đăng ký bán toàn toàn bộ 2.98% vốn, cùng lúc đó CTCP ĐT&PT Giáo dục Đà Nẵng (HNX: DAD) - đơn vị NXBGDVN sở hữu 41.5% vốn- thông báo nhận chuyển nhượng 934,500 cp EFI từ nhóm cổ đông Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Đức Dũng với giá 9,500 đồng/cp.

 Cá nhân Nguyễn Quang Vinh trước đó là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Xây dựng Phục Hưng (HOSE: PHC) (miễn nhiệm từ ngày 12/04/2016). Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến tháng 6/2015, ông Vinh đã đăng ký mua gần 1.5 triệu cp EFI (13.61% vốn) và từng được đề cử vào vị trí HĐQT bởi nhóm cổ đông gồm chính ông (Nguyễn Quang Vinh), PVR và Quỹ American LLC (tổng sở hữu 25.03% vốn EFI).

Câu chuyện trở nên rõ ràng hơn khi vào ngày 16/09, gần 3.3 triệu cp EFI cùng lúc được "đổi chủ" từ ông Nguyễn Quang Vinh cùng ông Nguyễn Tuấn Anh và một số cá nhân khác, rơi vào tay 3 công ty. Đó là DAD, CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội và CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (HNX: SED) - 3 đơn vị mà NXBGDVN sở hữu trên 41% vốn tại thời điểm kết thúc năm 2015.

Theo đó, tính tới thời điểm 16/09/2016, DAD đang sở hữu 8.59% vốn của EFI, EID sở hữu 10.03% vốn và SED sở hữu 11.39% vốn của EFI; bên cạnh đó NXBGDVN hiện đang sở hữu trực tiếp 12.81% vốn EFI. Như vậy theo cả cách trực tiếp và gián tiếp, NXBGDVN đang sở hữu 42.82% vốn của EFI.

Chiến thắng cho NXBGDVN?

Với những thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông của EFI không khó để nhận ra NXBGDVN đã nắm được thế chủ đạo trong quyền kiểm soát tại EFI. Những động thái mới đây nhất trong vấn đề nhân sự cũng cho thấy NXBGDVN đang dần lấy lại "uy quyền" tại EFI.

Cá nhân Nguyễn Mạnh Hùng từng là Giám đốc của Công ty TNHH MTV Tư vấn và Đầu tư Đồng Tiến (Công ty này đã thoái hết 2.18 triệu cp, tương đương 20.04% vốn tại EFI  từ 21/08 – 08/09/2014).

Cụ thể, ngày 23/09 vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Anh đã chính thức rút chân khỏi HĐQT của EFI. Đồng nghĩa với việc thế "tứ trụ" tại doanh nghiệp này đã không còn và lợi thế trong HĐQT đang nghiêng về phía 2 thành viên liên quan đến NXBGDVN; ở bên phía nhóm "ngoại đạo" chỉ còn "lẻ bóng" ông Nguyễn Mạnh Hùng - người được bầu vào HĐQT EFI từ ĐHĐCĐ thường niên 2014.

Với sự rút lui của ông Tuấn Anh, tình trạng nửa đồng ý, nửa không trong những nội dung tại các phiên họp HĐQT EFI đã không còn. Điều này khiến việc bầu ra Chủ tịch HĐQT thay thế tạm thời trở nên đơn giản.

Bên cạnh, bà Nguyễn Thị Hồng Điệp, thành viên HĐQT còn lại xuất thân từ NXBGDVN là ông Huỳnh Bá Vân - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ EFI, hiện nắm giữ 1.1% vốn của EFI. Ông Vân từng công tác tại NXBGDVN giai đoạn 1997-2014 và chuyển công tác sang EFI từ năm 2014.

Vào ngày 13/10/2016, HĐQT của EFI đã thống nhất bầu bà Nguyễn Thị Hồng Điệp tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐQT của EFI. Được biết, bà Điệp là 1 trong 2 thành viên HĐQT xuất thân từ NXBGDVN (công tác tại NXBGDVN trong giai đoạn 1988-2007 và từ năm 2007 chuyển sang công tác tại EFI).

Cùng với việc bầu được Chủ tịch HĐQT của Công ty, EFI cũng đã có thông báo chính thức về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016, mà một trong số những mục đích là bầu thêm 2 thành viên HĐQT, đảm bảo số lượng 5 thành viên theo quy định (hiện tại chỉ có 3 người, sau khi ông Tuấn Anh từ nhiệm) và đồng thời bầu ra Chủ tịch HĐQT mới./.