Ứng dụng Phân kỳ và những sai lầm chết người

Ứng dụng Phân kỳ và những sai lầm chết người

Khái niệm Phân kỳ (Divergence) bắt đầu trở nên quen thuộc với nhà đầu tư và được ứng dụng khá nhiều. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người vẫn mắc phải sai lầm khi áp dụng hiện tượng này.

Các loại Phân kỳ

Phân kỳ chia làm 2 loại là phân kỳ giá lên và phân kỳ giá xuống. Thực tế ở thị trường Việt Nam thì các phân kỳ giá xuống nên được chú ý hơn vì có độ thành công cao hơn.

Phân kỳ giá lên là hiện tượng giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước (Lower Lows) trong khi chỉ báo dao động lại tạo đáy sau cao hơn đáy trước (Higher Lows). Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy xu hướng giảm đang yếu dần và khả năng giá đang hình thành đáy là khá cao.

Phân kỳ giá xuống là hiện tượng giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước (Higher Highs) trong khi chỉ báo dao động lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước (Lower Highs). Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy xu hướng tăng đang yếu dần và khả năng giá đang hình thành đỉnh là khá cao.

Phân kỳ không khó để nhận biết nhưng nếu nhà đầu tư không cẩn thận sẽ dễ mắc phải các sai lầm chết người dưới đây.

Những sai lầm khi sử dụng Phân kỳ

Không phân biệt được tín hiệu cảnh báo và tín hiệu mua bán. Phân kỳ mặc dù đôi khi rất hiệu quả nhưng thực chất nó chỉ là một tín hiệu cảnh báo (alert signal). Điều này có nghĩ là phân kỳ không khẳng định được sự kết thúc của xu hướng hiện hành. Trái lại, phân kỳ có thể tồn tại trong khoảng thời gian khá lâu trước khi xu hướng thực sự thay đổi.

Trường hợp dưới đây của mã CTD sẽ minh họa cho tính chất này. Mặc dù một phân kỳ điển hình của Stochastic Oscillator đã xuất hiện trong vùng overbought nhưng bên dưới giá có đến hai ngưỡng hỗ trợ rất mạnh là SMA 100 ngày và đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 12/2015. Vì vậy, sau một thời gian giằng co, rung lắc thì CTD lại tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Vì vậy, nhà đầu tư nên xem phân kỳ như là tín hiệu cảnh báo và phải kết hợp với các công cụ xác định xu hướng quan trọng như kháng cự/hỗ trợ, trendline, trung bình động… trước khi đưa ra các quyết định đầu tư để đảm bảo tính chính xác và chắc chắn.

Không chú ý đến các phân kỳ của khối lượng. Khối lượng luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong phân tích kỹ thuật. Vì vậy, nếu các nhà đầu tư bỏ qua những tín hiệu phân kỳ của khối lượng mà chỉ tập trung vào các phân kỳ của MACD, Stochastic Oscillator, Relative Strength Index… thì đó có thể là một sai lầm chết người.

Ví dụ của GMD vào giai đoạn tháng 05/2014 sẽ chứng minh cho nhận định này. Rõ ràng là trong giai đoạn này chỉ báo MACD không hề có phân kỳ với giá nhưng một điểm dễ nhận thấy là khối lượng liên tục tăng. Điều này giúp cho giá tăng trưởng đến gần 30% sau đó.