Chính phủ lắng nghe, sẽ điều chỉnh chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chính phủ lắng nghe, sẽ điều chỉnh chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ngày 25.11, tại Dinh Thống Nhất  (TPHCM) đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ VN”. Hội thảo do Bộ Công thương tổ chức, với sự hiện diện của khoảng 500 đại biểu các doanh nghiệp (DN). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham dự và phát biểu tại hội thảo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm và làm việc tại Tập đoàn TBS Group (Bình Dương).

Công nghiệp hỗ trợ, cần lắm DN đầu tàu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu bật những thành quả mà các DN đã đạt được, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu, thì việc VN chưa phát triển được công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là nỗi day dứt của Chính phủ, Nhà nước, DN… Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Những sản phẩm có giá trị cao, nhưng chủ yếu là gia công, tỉ lệ nội địa hóa không đáng kể trong chuỗi cung ứng sản phẩm ra thị trường thế giới. Sản xuất của các DN trong nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào các yếu tố như: Lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên - khoáng sản… Các yếu tố này không tạo nên một ngành CNHT đúng nghĩa”. Điều này đặt ra vấn đề, làm gì để có thể phát triển CNHT? Cộng đồng DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải hành động ra sao để VN thật sự có một ngành CNHT như mong muốn v.v…

Ông Trần Bá Dương - Tổng GĐ Cty ôtô Trường Hải - cho rằng: “Muốn phát triển CNHT, chúng ta phải có một thị trường tiềm năng. Ngành công nghiệp ôtô phát triển được CNHT sẽ tạo tiền đề kích thích phát triển chung cho CNHT của cả nền kinh tế. Vì vậy, rất cần những chính sách thật tốt, tạo điều kiện cho CNHT phát triển”.

Ông Trịnh Thanh Hoài (Bộ Công thương) cho biết: “Sau nhiều năm phát triển, nhưng giá trị trong mỗi sản phẩm của CNHT của VN vẫn không đáng kể. Thí dụ: Công nghiệp chế tạo chỉ đáp ứng 10% nhu cầu, linh kiện điện tử 30-35%, dệt may hơn 50%, da giày 20-25%; với ngành ô tô, đến nay, tỉ lệ nội địa hóa mới đạt khoảng 7-10% v.v… Nguyên nhân dẫn tới các hạn chế trên do dung lượng thị trường nhỏ, năng lực các DN hạn chế, chính sách phát triển CNHT còn bất cập, nguồn lực đầu tư của Nhà nước về tín dụng, ưu đãi và hỗ trợ còn yếu …”.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Hơn lúc nào hết, rất cần những DN có thế mạnh - đó là những DN trong nước và cả DN có vốn FDI - đóng vai trò là đầu tàu để kích hoạt sự phát triển cho CNHT của cả nước”.

Sản xuất tại Công ty CP đầu tư Thái Bình.

Phải thay đổi tư duy cách tiếp cận

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách VN kiêm CEO Tập đoàn TBS Group - phát biểu: “Tỉ lệ nội địa hóa VN tham gia không đáng kể vào chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm trên toàn cầu đặt chúng ta trước nhiều thách thức lớn. Không thể có được một ngành CNHT lớn mạnh nếu chúng ta không đầu tư vào DN những trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm phát triển mẫu, bộ phận thiết kế… vốn chiếm tỉ trọng lớn trong hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm xuất ra thế giới. Vì vậy, rất cần Chính phủ cho DN một cơ chế bình đẳng, thông thoáng giữa các DN, không phân biệt DN trong nước với DN vốn FDI. Phải thay đổi tư duy về cách tiếp cận để phát triển CNHT. Cho DN cơ chế phát triển CNHT chứ không xin ưu đãi như lâu nay chúng ta vẫn tiếp cận theo kiểu này”.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt - May VN: “Giờ sản xuất một cái áo hay cái quần, người ta sử dụng công nghệ 3D, máy móc tự động hoàn toàn, giảm dần thao tác thủ công từ bàn tay con người. Vì vậy, một khi vẫn còn tư duy theo cách nghĩ dựa vào thâm dụng lao động tay chân là quá lạc hậu, sẽ có ngày chúng ta không theo kịp với sự phát triển của các nước khác đang phát triển như vũ bão. Phải chú trọng xây dựng cho VN những thương hiệu lớn, đủ sức cạnh tranh ra thị trường thế giới”.

Đồng ý với phát biểu của ông Giang, tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế - cho rằng: “Sau 15 năm, chúng ta lại bàn trở lại việc phát triển CNHT. Rõ ràng, việc phát triển CNHT ở VN là có vấn đề. Theo tôi, phải có một tầm nhìn chiến lược về vấn đề này, không khéo đi vào ngõ cụt. Phải thấy được điểm yếu của CNHT. Vì sao CNHT của VN chiếm tỉ lệ quá khiêm tốn (11%) trong chỉ tiêu phát triển của kinh tế quốc gia từ nay đến năm 2020?”. Theo ông Thiên, cần phải bàn lại cách tiếp cận về CNHT, bằng không sẽ phát triển lệch hướng.

Ông Thiên cho rằng, muốn phát triển CNHT lên tầm cao mới, phải đặt DN tư nhân là trụ cột. Phải hình thành một thị trường mở cho tất cả các DN. Nhà nước phải chuyển từ chính sách “ưu đãi” sang chính sách “hỗ trợ”. “Ưu đãi là xin - cho, dễ hình thành lợi ích nhóm, dẫn tới méo mó mọi thứ. Làm sao đưa CNHT của doanh nghiệp VN vào chuỗi giá trị bán hàng toàn cầu một cách bền vững”.

Chính phủ lắng nghe và sẽ điều chỉnh chính sách

Theo Bộ Công thương, một chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 - 2025 vừa được trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo đó, từ năm 2016 - 2020, thực hiện kết nối, hỗ trợ các DN trong ngành CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng, thu hút FDI vào CNHT. Tiếp tục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cho CNHT. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển CNHT… Từ năm 2021 - 2025, hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất v.v…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Chính phủ sẽ lắng nghe nguyện vọng từ các DN và sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho CNHT phát triển mạnh hơn, góp phần nâng cao chất lượng của nền kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người dân và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới”.

http://laodong.com.vn/kinh-te/chinh-phu-lang-nghe-se-dieu-chinh-chinh-sach-de-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-614744.bld