Doanh nghiệp ngành công nghệ: Câu chuyện ở chuyên môn hóa

Doanh nghiệp ngành công nghệ: Câu chuyện ở chuyên môn hóa

Trong ngành công nghệ, chuỗi giá trị truyền thống bao gồm 4 mắt xích chính là nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và khách hàng. Mỗi doanh nghiệp hoạt động trong ở mắt xích nào sẽ có một vai trò khác nhau và chỉ có thể tạo được giá trị gia tăng lớn nhất khi thực hiện được vấn đề chuyên môn hóa.

Tại hội thảo “Hướng đi mới trong ngành phân phối công nghệ” do CTCK Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc), Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), CTCP Thế giới số (DGW) phối hợp tổ chức ngày 29/11, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vietinbanksc cho biết, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh. Năm 2015, nhu cầu tiêu thụ điện máy toàn thị trường đạt 154.7 nghìn tỷ đồng, tăng 22.6% so với năm 2014. Trong đó, nhóm điện thoại di động chiếm 42.4%, nhóm điện tử điện lạnh (ti vi, tủ lạnh, lò vi sóng…) chiếm 42.7%, nhóm máy tính, laptop, máy in chiếm 12.9%, và 2% cơ cấu còn lại thuộc về nhóm máy chụp hình các loại.

Theo ông Đăng, chuỗi giá trị truyền thống ngành phân phối công nghệ bao gồm 4 đơn vị chính: nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và khách hàng. Hàng hóa sẽ được lưu chuyển từ nhà sản xuất tới nhà bán khách hàng thông qua 2 đơn vị trung gian là nhà bán buôn và bán lẻ. Trong chuỗi giá trị này, nhà bán buôn và nhà bán lẻ đều có những vai trò, nhiệm vụ tách biệt riêng. 

Tuy nhiên, mắt xích phân phối truyền thống đang bị thay thế dần khi nhà bán lẻ đang tham gia trực tiếp phân phối từ nhà sản xuất. Theo đó, bên cạnh chuỗi giá trị truyền thống, ngành phân phối công nghệ đang hình thành một chuỗi giá trị mới. Các nhà bán lẻ lớn như Thế giới di động (MWG), FPT shop đã nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất thay vì nhập từ nhà bán buôn.

Tuy nhiên, ông Đăng cho rằng, việc nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất sẽ gặp nhiều rủi ro như (1) do thời gian nhập từ nhà sản xuất lâu hơn từ nhà phân phối, độ trễ này sẽ khiến nhà bán lẻ chịu các rủi ro về biến động giá, về thay đổi công nghệ, về thay đổi xu hướng tiêu dùng (2) Vòng quay hàng tồn kho sẽ có xu hướng chậm lại (3) rủi ro xử lý hàng tồn kho khi không thể phân phối cho các chuỗi bán lẻ khác trong khi nhà bán buôn có thể làm được điều này.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng có ít khả năng thực hiện các nghiệp vụ loggistic và khả năng phân phối được các mặt hàng mới trên thị trường do năng lực marketing các nhãn hàng mới thấp.

Ngược lại, khi nhà bán buôn tham gia bán lẻ họ cũng sẽ phải chịu nhiều rủi ro của nhà bán lẻ như: chịu tính cạnh tranh cao, phát triển chuỗi bán lẻ để mở rộng thị phần hay phải chuyển đổi từ mô hình quản lý tập trung sang mô hình quản lý phân tán, đáp ứng yêu cầu quản lý đông số lượng nhân viên và chuỗi cửa hàng.

Do đó, mỗi một mắt xích (nhà bán buôn hay nhà bán lẻ) có vai trò riêng của mình. Họ có những chức năng chuyên môn hóa khác nhau, dựa vào các yếu tố về năng lực tài chính, về đội ngũ nhân viên. Ông Đăng khẳng định, vai trò của mỗi mắt xích này là không thể thay thế cho nhau. Đấy là lý do tại sao, trên thị trường hiện nay vẫn tồn tại cả nhà bán buôn lẫn nhà bán lẻ.

Về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ DGW cho rằng, việc nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đều gặp phải những khó khăn nhất định ở cả hai nhóm sản phẩm. Theo đó, với nhóm sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường tiêu dùng, chỉ thuần túy cạnh tranh về giá, thì nhà bán lẻ có thể phân phối trực tiếp từ hãng. Tuy nhiên điều này khó khăn ở vấn đề thời gian nhập hàng. Không nhà sản xuất nào có thể phân phối hàng trong 3 hay 5 ngày cho nhà bán lẻ như các nhà phân phối đang làm. Để nhập khẩu trực tiếp, các nhà bán lẻ phải chuẩn bị 3 tháng thì mới có hàng về.

Việc đặt hàng từ nhà sản xuất phải tốn thời gian, nguồn lực, chịu nhiều rủi ro. Nếu nhà bán lẻ không thể bán hết cho một khoảng thời gian đã định lượng trước thì họ không thể bán lại cho đối thủ cạnh tranh của mình. Còn với nhà sản xuất, không ai muốn lệ thuộc kênh phân phối của mình vào một người duy nhất.

Thứ hai, với những sản phẩm đặc thù, khó bán hoặc chưa nổi tiếng trên thị trường, để món hàng đó đến tay người tiêu dùng thì phải nghiên cứu thị trường, tổ chức marketing, bán hàng, hậu mãi. Vai trò của nhà phân phối lúc này mới thực sự phát huy với nhóm sản phẩm này. Các nhà phân phối sẽ có những giá trị tăng thêm khi tích hợp được những dịch vụ trên.  

Đại diện Dell Việt Nam, ông Trần Vũ – Tổng giám đốc cũng cho biết, đối với Dell, không phải tìm kiếm được thị trường là đã thành công tất cả. Việc hiểu người tiêu dùng, với sản phẩm máy tính còn là hiểu nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp là điều rất khó thực hiện. Vì vậy Dell cần một doanh nghiệp phân phối có khả năng nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu hộ nhà sản xuất. Với tiêu chí chọn nhà phân phối, Dell luôn đặt ra một số yêu cầu như có mạng lưới rộng nhất và sản phẩm cần phân phối nhắm đến người tiêu dùng cuối cùng nào thì chọn đại lý phân phối đang hoạt động trong phân khúc đó./.