Margin: Đâu mới là con số thực?

Margin: Đâu mới là con số thực?

Tính đến ngày 30/09/2016, dư nợ cho vay của các CTCK lên hơn 26 ngàn tỷ đồng, theo số liệu thống kê của Vietstock.

* Margin cổ phiếu: “Chơi dao lắm có ngày đứt tay”

* Công ty chứng khoán đang sống bằng nghề gì?

* Ma trận lãi suất margin

Bao nhiêu tiền đã được bơm vào thị trường chứng khoán thông qua margin luôn là vấn đề nóng trên thị trường chứng khoán. Thống kê từ BCTC quý 3/2016 của trên 40 công ty chứng khoán (CTCK) có dư nợ cho vay cao nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam thì con số tổng đã lên tới 26,067 tỷ đồng. Thế nhưng, liệu con số này đã phản ánh chính xác tình trạng hoạt động cho vay ký quỹ của thị trường chứng khoán hay không?

Câu trả lời là chẳng ai biết được!

Bởi trên thực tế, tất cả những con số được trình bày trong báo cáo một số CTCK đã được làm mượt hóa. Chỉ cần trước vài ngày cuối cùng của quý, CTCK sử dụng các hình thức hỗ trợ ưu đãi cho khách hàng để giảm số dư margin nhằm đảm bảo những tỷ lệ an toàn theo quy định của Ủy ban Chứng khoán.

Thế nhưng, hãy nhìn xem thử vào cuối quý qua, các CTCK đã báo cáo bao nhiêu. Để từ đó mà có thể suy luận rằng: “À, số tiền được bơm vào qua dịch vụ margin còn lớn hơn thế nhiều”.

40 CTCK có dư nợ cho vay cao nhất vào cuối ngày 30/09/2016
    (*: Công ty mẹ, Đvt: Triệu đồng)

Bên cạnh đó, vẫn còn một cách khác để suy ngược lại chính khoản lãi từ cho vay và phải thu mà các CTCK kiếm được trong quý qua. Sử dụng những con số này, cùng với việc nhẩm tính chia ngược chia xuôi cho lãi suất của các công ty cho hoạt động margin, người đọc cũng có thể tính nhẩm xem số tiền mà các CTCK bơm vào nằm ở những con số nào?

Tất nhiên, những cách tính trên dù bằng cách nào vẫn sẽ là chưa đầy đủ!

Sau đại chiến margin, còn gì và được gì?

Theo thống kê ở bảng trên, có đến 9 doanh nghiệp đạt dư nợ cho vay tính bằng con số ngàn tỷ. Theo đó, tổng dư nợ cho vay của các công ty này đã lên tới 18,145 tỷ đồng, chiếm đến 70% toàn thị trường tại thời điểm cuối quý 3. Và đó cũng chính là những công ty chiếm thị phần môi giới lớn trên sàn hiện nay như SSI, HCM, VND, MBS, KIS, SHS, VCSC, VDSFPTS.

Đứng đầu về dư nợ cho vay là SSI, công ty có thị phần môi giới cao nhất trên cả hai sàn khi nắm giữ 14.26% thị phần trên HOSE và 10.8% thị phần trên HNX. Ở thời điểm cuối tháng 9, SSI vẫn còn đang cho vay gần 4 ngàn tỷ đồng, chiếm đến 15% tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán được đưa vào thống kê. Nhờ bơm lượng tiền lớn qua nghiệp vụ cho vay, SSI đã thu về gần 114 tỷ đồng lãi từ các khoản cho vay và phải thu, dẫn đầu các CTCK về hoạt động này trong quý 3. Cũng nhờ đó mà lãi ròng quý 3 của công ty cũng vươn lên trên 360 tỷ đồng, chiếm đến 37% tổng lãi ròng của 40 doanh nghiệp có dư nợ cho vay cao nhất.

Theo sát SSI không chỉ về thị phần môi giới mà còn về dư nợ cho vay chính là HCM, với lượng dư nợ cho vay lên gần 3 ngàn tỷ đồng vào ngày cuối quý 3. Con số lãi từ các khoản cho vay và phải thu của HCM cũng chẳng thua kém nhiều so với SSI khi đứng ở hạng á quân với gần 93 tỷ đồng, gấp gần chục lần so với CTS hoặc ABS. Song, HCM cũng là đơn vị có chi phí lãi vay, lỗ từ các khoản cho vay và phải thu đứng đầu toàn sàn lên tới hơn 15 tỷ đồng. Trong khi các đơn vị khác như VDS, MBS lại chẳng có khoản chi phí này. Tuy vậy, lãi ròng của công ty cũng thuộc hạng khủng khi xếp hạng lợi nhuận sau thuế của các CTCK trên sàn với gần 82 tỷ đồng thu được trong quý 3 này.

Sau 9 đại gia trên là một số doanh nghiệp có dư nợ cho vay thuộc hàng trăm tỷ như BVS, PHS, VPBSTVSI. Tuy nhiên, khoản lãi kiếm được từ hoạt động cho vay và phải thu của các đơn vị này cũng có nhiều khác biệt. Điển hình là PHS, dù có dư nợ cho vay lên tới 720 tỷ đồng, cao hơn VPBS nhưng lãi từ các khoản cho vay và phải thu chỉ hơn 2 tỷ đồng, bẳng 10% so với VPBS. Kết quả, lãi ròng quý 3 của công ty cũng chỉ đạt gần 5 tỷ đồng, thua xa các đơn vị khác trong ngành. Trong khi đó, VPBS lại thu về tới gần 20 tỷ đồng lãi từ hoạt động cho vay và phải thu nâng lợi nhuận sau thuế lên gần 23 tỷ đồng./.