TP HCM: Chuẩn bị hơn 10,000 điểm bán hàng trước thềm Tết Đinh Dậu

TP HCM: Chuẩn bị hơn 10,000 điểm bán hàng trước thềm Tết Đinh Dậu

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP, đến đầu tháng 10 năm 2016, tổng số điểm bán của 4 Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố là 10,140 điểm bán, tăng 935 điểm bán so năm 2015.

* TP.HCM: Hơn 17 tỷ đồng cung ứng hàng Tết Đinh Dậu

Cụ thể, riêng Chương trình Lương thực - thực phẩm có 3,943 điểm bán gồm 111 siêu thị, trung tâm thương mại, 459 cửa hàng tiện lợi, 911 điểm bán trong 128 chợ truyền thống, 2,462 điểm bán trong khu dân cư. Trong đó: 926 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành; 16 điểm bán phục vụ công nhân tại 9 KCX- KCN, 3 cửa hàng tiện lợi tại xí nghiệp đông công nhân, 2 cửa hàng liên kết thanh niên phục vụ khu lưu trú công nhân; 1,573 điểm bán do Hội Liên hiệp Phụ Nữ phát triển gồm; 24 điểm bán do Thành đoàn TNCS HCM phát triển và tham gia quản lý.

Theo kế hoạch đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp Bình ổn thị trường phát triển thêm 248 điểm bán, tăng cường thực hiện bán hàng lưu động bình quân 120/chuyến/tháng, riêng 2 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 307 chuyến. Trong đó, chú trọng đưa hàng đến các quận vẹn, huyện ngoại ngoại thành, KCX, KCN, khu lưu trú công nhân... để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.

Bên cạnh công tác phát triển điểm bán, Thành đoàn sẽ thực hiện tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu đông, tổ chức các Phiên chợ hàng Việt, phiên chợ Thanh niên, Phiên chợ thanh niên công nhân... phục vụ công nhân, người lao động tại các KCX, KCN.

Tính đến hết 31/12/2015, trên địa bàn TP HCM có 240 chợ (trong đó có 17 chợ hạng 1, 53 chợ hạng 2,170 chợ hạng 3), chiếm 24% số chợ trong vùng Đông Nam Bộ; có 179 siêu thị và 37 trung tâm thương mại, chiếm 82.5% số siêu thị và 62.7% số trung tâm thương mại trong vùng Đông Nam Bộ.

Đây là năm thứ 4 TP HCM tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách cho cả 04 chương trình. Tổng số doanh nghiệp tham gia: 86 doanh nghiệp (42 doanh nghiệp lương thực, 15 doanh nghiệp Mùa khai trường, 14 doanh nghiệp dược phẩm, 05 doanh nghiệp sữa và 10 Ngân hàng).

Nguồn vốn các ngân hàng tham gia đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thực hiện bình ổn thị trường là 12,900 tỷ đồng, tăng 1,050 tỷ đồng (8.9%) so năm 2015 với lãi suất tương đương năm 2015 từ 5.5-7%/năm trong ngắn hạn và 9-10% trong trung, dài hạn.

Bên cạnh việc bình ổn thị trường thành phố, thông qua Chương trình Hợp tác thương mại TP HCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, TP HCM đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho Thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang thực hiện kết nối cung cầu, cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, hoa tươi vào hệ thống phân phối và chợ đầu mối của Thành phố. Thông qua đó góp phần điều tiết cung cầu, ổn định thị trường giữa các địa phương. Nguồn cung hàng hóa phục Tết luôn dồi dào, đa dạng, phong phú.

Nguồn cung hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết chủ yếu từ 3 nguồn chính, gồm các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường (chiếm 30-40% thị phần), các chợ đầu mối (chiếm 60-70% thị phần), các doanh nghiệp còn lại (chiếm 10-20% thị phần).

Được biết, 10 tháng đầu năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm đạt 612,018 tỷ đồng, tăng 9.33% so cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 10.2% (cùng kỳ năm trước loại trừ giá tăng 7.65%). Như vậy tỷ trọng tổng mức bán lẻ của TP HCM chiếm khoảng hơn 20% so với cả nước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0.62% so với tháng trước và tăng 3.3% so với tháng 12/2015 (mức tăng này của cả nước là 4.09%), bình quân 10 tháng chỉ số giá tiêu dùng của TP HCM tăng 1.56% so với cùng kỳ năm 2015 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước là 2.27%). một số nhóm tăng chủ yếu: nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm nhà ở, điện nước; nhóm giáo dục…

Về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp thành phố đạt 26,584.4 triệu USD, tăng 6.5% so cùng kỳ. Loại trừ giá trị dầu thô, trị giá xuất khẩu 10 tháng ước đạt 24,445.3 triệu USD, tăng 12.2%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp TP 10 tháng đạt 30,172 triệu USD, tăng 8.6% so cùng kỳ.