USD chạm đỉnh 13 năm trước kỳ vọng Fed nâng lãi suất nhanh hơn

USD chạm đỉnh 13 năm trước kỳ vọng Fed nâng lãi suất nhanh hơn

Đồng USD Mỹ chưa từng lên cao như vậy kể từ tháng 4/2003

Đồng bạc xanh đã chạm mức cao nhất trong 13 năm vào ngày thứ Tư khi nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất nhanh hơn dưới thời của Tổng thống Donald Trump.

 

Thậm chí trước cuộc bầu cử, Fed đã ám chỉ rằng cơ quan này chuẩn bị nâng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 12. Lãi suất cao hơn và chi tiêu Chính phủ nhiều hơn chính là một sự kết hợp tuyệt vời cho giá trị của đồng USD.

“Đây là sự kết hợp chính sách tốt nhất cho một đồng tiền”, nhận định của Marc Chandler, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman.

Chỉ số ICE Dollar Index chạm mức 100.57 vào ngày thứ Tư. Được biết, chỉ số này phản ánh giá trị của đồng USD so với các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. 

Được biết, Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ chi tiêu mạnh tay vào lĩnh vực cầu đường của Mỹ, một động thái có thể đẩy giá cả, lương bổng và việc làm tăng cao. Và điều đó sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ sau bức tranh ảm đạm trong các năm gần đây. Đà tăng trưởng tốt hơn cũng tương đương với đồng USD mạnh hơn. 

Tuy nhiên, một đồng USD mạnh hơn không tốt cho tất cả người Mỹ. Trên thực tế, đồng bạc xanh mạnh có thể ảnh hưởng đến chính các công nhân sản xuất mà ông Trump đã cam kết giúp đỡ. 

Giá cả cao hơn sẽ buộc Fed nâng lãi suất nhanh hơn. Nâng lãi suất nhiều hơn – hoặc ít nhất là niềm tin sẽ có thêm các đợt nâng lãi suất trong thời gian tới – sẽ đẩy đồng USD tăng cao. Chẳng hạn như, trước khi Fed nâng lãi suất trong tháng 12/2015, chỉ một tín hiệu nhỏ nhất về việc nâng lãi suất cũng đã khiến đồng USD tăng vọt. 

Một yếu tố quan trọng khác đối với đồng USD là giá dầu. Khi giá dầu giảm, đồng USD sẽ tăng và ngược lại. Trong những tuần gần đây, giá dầu đã giảm mạnh, và điều này cũng đã hỗ trợ USD tăng giá. Nhìn chung, đồng bạc xanh có thể mạnh hơn trong 1 hoặc 2 năm tới vì Fed đang nâng lãi suất, trong khi Anh, Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại hạ lãi suất, qua đó khiến đồng nội tệ của các quốc gia và khu vực này suy yếu./.