Mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6.7% là khá cao

Mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6.7% là khá cao

Đó là nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2016 diễn ra sáng ngày 28/12.

Theo số liệu công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6.21% so với năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6.7% đề ra.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành.

Về mục tiêu GDP tăng 6.7% trong năm 2017, ông Lâm cho biết, Việt Nam có những yếu tố thuận lợi và khó khăn để đạt được mục tiêu này. Về yếu tố thuận lợi, đó là môi trường kinh doanh, thể chế pháp luật thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1000 doanh nghiệp trong năm 2016, tăng 16.2% so với năm 2015. Ngoài ra, trong năm còn có hơn 26,600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24.1% so với năm trước. Đây là động lực quan trọng góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6.7% trong năm 2017.

Điểm sáng thứ hai đó là các Nghị quyết của chính phủ về giải ngân vốn cho nền kinh tế đã có hiệu quả đồng thời hoạt động của các ngành dịch vụ tổng quan tăng cao so với các năm khác.

Tuy vậy với mục tiêu tăng trưởng GDP theo ông Lâm là khá cao và là một thách thức trong năm 2017. Nguyên nhân là nền kinh tế thế giới cũng có sự phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính trên thế giới đều đánh giá năm 2017 sẽ không mấy sáng sủa, dự báo tăng trưởng 2017 thấp hơn 2016. Và với kinh tế Việt Nam cũng vậy, khi mà ngân hàng ABD, Worldbank đều dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2016.

Mặt khác về tình hình thế giới, hậu Brexit và đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nền kinh tế lớn cũng đang đe dọa đến trao đổi thương mại nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung của Việt Nam. Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, Việt nam có độ mở kinh tế khá cao, phản ánh nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào thương mại quốc tế, nhu cầu các nước đối tác. Do vậy, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng 2017 mà Chính phủ đề ra.

Tại buổi họp báo, có ý kiến hỏi về nguyên nhân thay đổi thước đo lạm phát 2017. Cụ thể, trong năm 2017 sẽ sử dụng chỉ tiêu CPI bình quân hàng năm thay cho chỉ tiêu CPI tháng 12 năm nay so với năm trước. Về vấn đề này, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ tiêu CPI tháng 12 năm nay so với năm trước không phản ánh được hết các tháng trong năm hơn nữa việc thay đổi chỉ tiêu này là để đồng nhất với các chỉ số khác tính theo bình quân năm và hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng chỉ tiêu CPI bình quân năm đề làm thước đo lạm phát./.