Trong ngắn hạn, việc thoái vốn làm gia tăng nguồn cung và gây áp lực lên dòng tiền

Trong ngắn hạn, việc thoái vốn làm gia tăng nguồn cung và gây áp lực lên dòng tiền

"Trong ngắn hạn, việc thoái vốn và CPH có thể làm gia tăng nguồn cung và sẽ tạo áp lực lên dòng tiền tham gia vào thị trường niêm yết nếu sự gia tăng của dòng tiền từ NĐT trong nước và nước ngoài tăng không tương ứng. Theo đó, điều này sẽ dẫn đến việc phân bổ không đồng đều của dòng tiền".

Đó là nhận định của ông Bạch An Viễn - Trưởng phòng Phân tích Tài chính và Vĩ mô CTCK KIS Việt Nam (KIS) khi dự báo về tác động của làn sóng IPO đến thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới.

Ông Bạch An Viễn - Trưởng phòng Phân tích Tài chính và Vĩ mô CTCK KIS Việt Nam (KIS).

Kể từ đầu năm 2017, hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) diễn ra có phần chậm hơn kế hoạch. Theo ông thì đâu chính là rào cản lớn nhất trong vấn đề này?

Ông Bạch An Viễn: Dựa trên Đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020, số tiền thu về sau thoái vốn và CPH khoảng 250,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài chính, nửa đầu năm 2017, giá trị thu về chỉ đạt gần 15,000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu đến từ đợt thoái vốn 5.4% VNM trị giá 11,286 tỷ đồng của SCIC vào cuối năm 2016.

Điều này đặt ra lo ngại về bức tranh thoái vốn và CPH đang diễn ra chậm chạp so với kỳ vọng, mặc dù đã được Chính phủ liên tục hối thúc trong thời gian qua. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ một số lý do chính như sau:

  • Chất lượng của một số doanh nghiệp trong diện IPO hay thoái vốn khá thấp xét về mặt kết quả kinh doanh hay mức độ minh bạch, dẫn đến khó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT). Thêm vào đó, bản thân lãnh đạo ở một số doanh nghiệp (DN), kể cả một số DN lớn được thị trường mong đợi, không sẵn lòng hợp tác trong quá trình thoái vốn, CPH. Điều này được xem là một trở ngại đáng kể và cần một sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn từ Chính phủ cùng các cơ quan quản lý liên quan. 
  • Thứ hai, thủ tục ban hành hệ thống pháp lý cho quá trình CPH, thoái vốn chưa thực sự hoàn thiện và còn chậm trễ, dẫn tới sự thiếu thống nhất trong các quy trình thẩm định giá trị DN (cả về tài sản hữu hình lẫn vô hình như giá trị thương hiệu), qua đó khiến cho công tác CPH mất nhiều thời gian hơn dự kiến, đặc biệt là ở các DN lớn với đặc thù hoạt động kinh doanh đa ngành…
  • Cuối cùng là liên quan đến bên mua. Việc tìm kiếm đối tác mua lại, đặc biệt là NĐT chiến lược lớn trong nước và nước ngoài, là khá khó khăn và cần nhiều thời gian đàm phán ở một số doanh nghiệp lớn với quy mô IPO, thoái vốn lên đến hàng tỷ USD, chẳng hạn như Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Habeco (BHN) hay một số ngân hàng lớn.

Với chủ trương đẩy mạnh công tác thoái vốn, CPH DNNN trong năm 2017, ông có nhận định gì về tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) thời gian tới, cả về ngắn hạn và dài hạn?

Việc đẩy mạnh thoái vốn, CPH DNNN là bước đi cần thiết nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tăng cường hiệu quả, tính minh bạch của DNNN. Thêm vào đó, hoạt động này cũng góp phần vào sự phát triển của TTCK VN nói chung cả về dài hạn thông qua việc thúc đẩy thanh khoản, quy mô thị trường, chất lượng hàng hóa niêm yết và đặc biệt là cải thiện mức độ minh bạch trong quản trị DNNN.

Trong ngắn hạn, việc thoái vốn và CPH có thể làm gia tăng nguồn cung và sẽ tạo áp lực lên dòng tiền tham gia vào thị trường niêm yết nếu sự gia tăng của dòng tiền từ NĐT trong nước và nước ngoài tăng không tương ứng. Theo đó, điều này sẽ dẫn đến việc phân bổ không đồng đều của dòng tiền.

Tuy nhiên, về mặt dài hạn, như đã nói ở trên, là một cơ sở quan trọng để nâng cao vị thế TTCK VN, cũng như triển vọng nâng hạng thị trường. Nói cách khác, chủ trương này là cần thiết đối với quá trình cải cách kinh tế Việt Nam.

Trước đây, nhà đầu tư thường chọn mua cổ phiếu đã niêm yết vì tính thanh khoản cao, dễ chốt lời hay cắt lỗ. Song, thời gian gần đây, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân thực hiện đầu tư, mua cổ phần của những DN chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Ông có bình luận gì về động thái trên, liệu có phát sinh rủi ro nào khi đầu tư vào những DN này?

Xu thế này không quá bất ngờ bởi lợi nhuận tiềm năng trên thị trường IPO trong thời gian qua là đủ hấp dẫn cho NĐT kể từ giai đoạn mua đến thời điểm doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt theo sau hàng loạt thương vụ IPO thành công từ các DN hàng đầu như HVN, VJC, SAB, PLX, NVL

Thực tế, tôi hoàn toàn khuyến khích cho xu thế đầu tư này nếu NĐT tập trung vào các DN dẫn đầu ngành, có KQKD kinh doanh tăng trưởng ổn định cùng với mức giá IPO hợp lý. Tất nhiên, khoảng thời gian từ IPO đến khi niêm yết kéo dài sẽ là một trong những rủi ro chính cho NĐT nhưng không quá lo ngại.

Ông có nhận định gì về khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài đối với DNNN khi thực hiện CPH. Liệu rằng dòng tiền khối ngoại có tăng khi mà sắp tới nhiều đơn vị tiến hành IPO?

Tôi cho rằng quá trình CPH các DNNN là một trong những nhân tố quan trọng được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta cần thấy rằng sự ưa thích của NĐT, bao gồm NĐT tài chính và chiến lược, sẽ chủ yếu tập trung vào các DNNN lớn, có vị thế dẫn đầu ngành cũng như triển vọng tăng trưởng tốt. Trong đó, NĐT chiến lược nước ngoài sẽ chủ yếu quan tâm vào các DN lớn vốn có vai trò trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh, mạng lưới phân phối tại Việt Nam cho bên đầu tư. Điều này có thể nhận thấy qua làn sóng M&A từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật hay thậm chí đến từ Trung Quốc trong các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ và tài chính trong thời gian gần đây. Tôi vẫn có cái nhìn tích cực về làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng và các DNNN sẽ là một đối tượng tiềm năng cùng với các DN lớn trong khối tư nhân.

Xin cám ơn ông.

Tri Túc (thực hiện)

FiLi