Nhà đầu tư nước ngoài cần gì từ “room ngoại”?

Nhà đầu tư nước ngoài cần gì từ “room ngoại”?

Mới tuần trước, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) khi Việt Nam cố gắng giảm kiểm soát của Chính phủ tại nhiều công ty, hãng tin Bloomberg cho hay.

Chỉ 4 ngày sau, CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM), hay còn gọi là Vinamilk, đã bán đấu giá 9% cổ phần thuộc sở hữu của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra khi chỉ có Fraser & Neave Limited (F&N) và đơn vị cùng chủ sở hữu F&N Bev Manufacturing Pte Ltd mua 2/3 số lượng cổ phần.

Habeco và nhiều công ty đang trong quá trình tư nhân hóa khác tại Việt Nam có thể chịu chung kết quả như Vinamilk. Mặc dù Việt Nam đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư tổ chức quốc tế nhưng các giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài lại kìm hãm sự phát triển của nhà đầu tư nước ngoài. Hay còn tệ hơn: Sau chỉ gần 10 năm rót vốn vào cổ phần Việt Nam, khối ngoại lại cuốn gói ra đi.

Điều này xảy ra một năm sau Nghị định 60. Theo đó, cho phép các công ty tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% được quy định trong Luật Chứng khoán. Đợt chào bán tiếp theo của Vinamilk khả thi bởi vì đây là một trong những công ty được dỡ bỏ trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì thu hút hàng loạt các nhà quản lý quỹ thì F&N trở thành cổ đông chiến lược của Vinamilk - F&N có thể sẽ nắm giữ cổ phần dài hạn, theo đó thanh khoản cổ phiếu không có gì thay đổi.

Nghị định mới không được áp dụng cho các công ty nằm trong 14 “lĩnh vực kinh doanh có điều kiện” và có hơn 250 lĩnh vực hoạt động bị giới hạn. Dựa trên lời diễn giải của điều luật, việc gia tăng tỷ lệ sở hữu của Vinamilk có thể gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh việc giới hạn lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, mức trần này cũng là một trong những lý do Việt Nam không thể nào trở thành một thị trường mới nổi theo đánh giá của MSCI.

Nếu Việt Nam muốn thu hút khối ngoại và trở thành một thị trường mới nổi theo sự đánh giá của MSCI, các nhà lập pháp cần phải quyết định cho phép các công ty nới room ngoại./.