CEO phác họa ngành ngân hàng năm 2020

CEO phác họa ngành ngân hàng năm 2020

Nhìn tới năm 2020, các tổng giám đốc (CEO) của ba ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã phác họa về tương lai của ngành với những thay đổi thú vị.

Trong tương lai, khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số ngày càng nhiều hơn là giao dịch trực tiếp tại quầy. Ảnh minh họa

Ông Phạm Hồng Hải, CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam:

Nhiều giải pháp công nghệ mới được đưa vào dịch vụ

- Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến ngành ngân hàng (Việt Nam) thay đổi rất nhanh. Bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt dẫn tới lợi nhuận sụt giảm, thậm chí một số ngân hàng rơi vào vòng kiểm soát đặc biệt, là sự tham gia sôi động của các ngân hàng nước ngoài với quy mô vùng và những bước đầu khai phá ứng dụng công nghệ cao trong dịch vụ.

Tôi hình dung đến năm 2020, công nghệ sẽ thay thế rất nhiều tác nghiệp con người đang làm hiện nay, như nhập liệu, xử lý số liệu, tương tác với khách hàng trong các giao dịch đơn giản... Chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa ngân hàng với các công ty công nghệ tài chính(fintech)(*) để đưa các giải pháp công nghệ mới vào dịch vụ khiến công việc nhanh hơn, tiện lợi hơn và chi phí thấp hơn. Ngành ngân hàng cũng sẽ tận dụng giá trị của dữ liệu lớn (big data) về tập quán chi tiêu và thanh toán của khách hàng nhằm đưa ra các giải pháp tài chính phù hợp với từng khách hàng. Nhờ vào công nghệ, ngân hàng có khả năng sáng tạo ra những dịch vụ phù hợp với từng khách hàng. Mô hình mở rộng mạng lưới chi nhánh sẽ không còn phù hợp vì chi phí cao và không hiệu quả. Khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số ngày càng nhiều hơn.

Với sự cạnh tranh khốc liệt cộng với những quy định chặt chẽ của các cơ quan quản lý, từ toàn cầu cho tới quốc gia, ngân hàng sẽ không còn là ngành kinh doanh lợi nhuận cao mà mang dáng dấp của một doanh nghiệp công ích với lợi nhuận vừa phải. Do tăng doanh thu gặp nhiều khó khăn, ngân hàng sẽ phải tập trung vào tái cơ cấu bộ máy, cắt giảm chi phí và áp dụng công nghệ nhằm nâng cao khả năng tự động hóa. Bên cạnh đó, chi phí về tuân thủ ngày càng tăng và việc áp dụng Basel II dẫn đến các ngân hàng sẽ phải lựa chọn khách hàng kỹ càng hơn để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Ngân hàng sẽ chuyển dần trọng tâm từ hoạt động cho vay sang tư vấn và làm dịch vụ, tập trung vào kinh doanh bền vững thay vì tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá.

Số lượng các ngân hàng (cả trong nước và nước ngoài) sẽ giảm xuống. Các ngân hàng yếu kém trong nước sẽ bị sáp nhập hoặc đóng cửa. Các ngân hàng nước ngoài có thị phần quá nhỏ sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam để tập trung vào thị trường cốt lõi. Khu vực ngân hàng trong nước sẽ lớn mạnh hơn và các ngân hàng toàn cầu sẽ tập trung hơn vào các khách hàng trọng tâm mà họ có thể mang lại giá trị từ quy mô toàn cầu của mình. Nhà đầu tư chiến lược của các ngân hàng trong nước sẽ chuyển dần từ các ngân hàng toàn cầu sang các quỹ đầu tư hoặc các ngân hàng trong khu vực. Do các quy định của Basel III không có lợi cho việc tính vốn đầu tư cổ đông nhỏ, các ngân hàng toàn cầu sẽ không mặn mà với việc duy trì một tỷ lệ sở hữu nhỏ tại ngân hàng trong nước và không nắm quyền kiểm soát.

Từ tất cả những điều trên, giới chuyên viên ngân hàng ngày càng phải chuyên nghiệp hơn và thành thạo nhiều kỹ năng khác nhau. Những chuyên viên kết hợp được các thế mạnh nghiệp vụ ngân hàng với kiến thức kinh tế và luật, thông thạo nhiều ngoại ngữ thì sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.

Tuy nhiên đối với tôi, có những giá trị sẽ không thay đổi, đó là chất lượng dịch vụ vẫn sẽ là yếu tố tạo sự khác biệt giữa các ngân hàng. Do đó, ngân hàng nào có công nghệ tốt, không ngừng sáng tạo, chất lượng dịch vụ cao và quản trị bền vững thì sẽ phát triển mạnh cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam...

http://www.thesaigontimes.vn/155421/CEO-phac-hoa-nganh-ngan-hang-nam-2020.html