Kinh nghiệm sử dụng Bollinger Bands trên thị trường Việt Nam

Kinh nghiệm sử dụng Bollinger Bands trên thị trường Việt Nam

Bollinger Bands là một công cụ được nhà đầu tư sử dụng khá phổ biến trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cần có những lưu ý để hạn chế rủi ro.

Bollinger Bands là gì?

Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, Bollinger Bands là công cụ kết hợp giữa đường trung bình động (Moving Average) và độ lệch chuẩn.

Trung bình động (Moving Average) là một chỉ báo thể hiện giá trị trung bình của giá chứng khoán trong một khoảng thời gian. Khi giá chứng khoán thay đổi thì giá trung bình cũng thay đổi theo. Trung bình động có thể được tính dựa trên bất kỳ chuỗi dữ liệu nào bao gồm giá mở cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất, giá đóng cửa, khối lượng giao dịch hoặc một chỉ báo khác. Trong trường hợp của Bollinger Bands, trung bình động (đường middle) được tính từ giá đóng cửa (close price).

Dải trên (Upper Band): dải trên thường được tính bằng cách lấy đường trung bình cộng 2 lần độ lệch chuẩn. Dải này có vị trí nằm trên đường trung bình 20 ngày.

Dải dưới (Lower Band): dải dưới thường được tính bằng cách lấy đường trung bình trừ 2 lần độ lệch chuẩn. Dải này có vị trí nằm dưới đường trung bình 20 ngày.

Số kỳ sử dụng không nhất thiết phải là 20 ngày. Trong nhiều trường hợp thực tế số kỳ 10 hoặc 15 ngày tỏ ra hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, điều này phục thuộc chặt chẽ vào cổ phiếu cụ thể cần phân tích.

Ví dụ dưới đây của BVH sẽ minh họa rõ cấu tạo của Bollinger Bands.

Các tín hiệu mua/bán cơ bản

Sử dụng đường middle. Phương pháp sử dụng phổ biến nhất của Bollinger Bands là dùng trung bình động làm thước đo. Bollinger Bands hoàn chỉnh sẽ chia ra biên trên và biên dưới được ngăn cách bởi đường trung bình động (hay còn gọi là đường middle).

Tín hiệu mua xuất hiện khi giá chứng khoán vượt lên trên đường middle và tín hiệu bán xuất hiện khi giá chứng khoán giảm xuống dưới đường này.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý trung bình động thuộc nhóm chỉ báo cho tín hiệu trễ (lagging indicators) nên Bollinger Bands không giúp nhà đầu tư mua đúng tại đáy hoặc bán đúng tại đỉnh. Thay vào đó, hệ thống này giúp chúng ta nắm bắt đúng xu hướng của giá bằng cách cho tín hiệu mua ngay sau khi giá tạo đáy và cho tín hiệu bán ngay sau khi giá đạt đỉnh.

Hiện tượng “thắt nút cổ chai”. Mặc dù đôi khi Bollinger Bands cũng được dùng để chỉ ra tình trạng overbought/oversold khi kết hợp với RSI, Stochastic Oscillator nhưng theo nhìn nhận của giới phân tích kỹ thuật thì cách này không thực sự hiệu quả ở thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua.

Hiện tượng “thắt nút cổ chai” được chú ý nhiều hơn do có tính ứng dụng cao và đem lại hiệu quả đáng kể đối với người sử dụng.

Khi Upper Band và Lower Band co thắt lại thì đó là dấu hiệu cảnh báo sắp có một sự biến động giá mạnh trong tương lai gần. Tùy vào vị trí của giá so với đường middle (moving average) mà nhà đầu tư có thể dự đoán hướng biến động trong tương lai.

Thông thường thì sau khi bung nén giá sẽ bám vào Upper Band hoặc Lower Band. Trong ví dụ dưới đây của CTG thì giá gần như bám vào Upper Band trong suốt tháng 01/2015.