Nghề môi giới chứng khoán: Công việc khó – cạnh tranh cao!

Nghề môi giới chứng khoán: Công việc khó – cạnh tranh cao!

Vậy là một năm cũ đã trôi qua và thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp bước một năm mới. Giai đoạn chuyển giao này chất chứa nhiều nỗi niềm trong tâm trí từng môi giới chứng khoán, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của ông Lê Vương Hùng – Giám đốc Môi giới CTCK Rồng Việt (VDS) về những khó khăn và những tiềm năng trong nghề môi giới chứng khoán trong năm 2016.

Ông Lê Vương Hùng – Giám đốc Môi giới CTCK Rồng Việt (VDS)

Môi giới chứng khoán là công việc khó nhưng dư địa còn rất lớn

Nhận định về công việc của một nhân viên môi giới chứng khoán, ông Hùng cho biết công việc của nhân viên môi giới trong năm qua gặp phải những khó khăn nhất định. Nguyên nhân là vì độ khó của thị trường đang ở mức cao bởi tâm lý đầu tư trong năm chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các yếu tố của thị trường như Fed nâng lãi suất hay hiện tượng Brexit và bão lụt ở miền Trung.

Bên cạnh đó, bản chất của nghề môi giới không nằm chỉ ở một mảng, mà bao gồm cả tư vấn, "sale và tìm kiếm cơ hội đầu tư, chăm sóc khách hàng. Do đó, những môi giới trong nghề hoàn toàn có thể tự hào đây là một nghề cao cấp và sử dụng chất xám khi thị trường phát triển lên đến đỉnh cao. Nghề môi giới không chỉ yêu cầu những điều kiện hành nghề nhất định mà cần có khả năng tư vấn phân tích.

Dù có yêu cầu cao, nhưng kết quả trong năm 2016 lại không được như ý khi khách hàng thất bại trong đầu tư. Chính vì vậy, ngay cả một số môi giới kỳ cựu, có bản lĩnh và đã vào nghề hơn chục năm vẫn gặp một số khó khăn nhất định khi khách hàng thua lỗ trong khi phải gánh trên vai áp lực về doanh số mà công ty đặt ra. Nếu không vượt qua được gánh nặng này, họ sẽ rời nghề do thiếu ý chí hoặc khi có cơ hội khác tốt rõ rệt hơn, tuy nhiên, điều đáng mừng là tỷ lệ từ bỏ không nhiều.

Song, những môi giới vững vàng hoàn toàn có thể hiểu rằng độ khó của thị trường chỉ xuất hiện trong những giai đoạn ngắn. Ngoài ra, dư địa của nghề là rất lớn khi chỉ có khoảng 2 trên 95 triệu dân Việt Nam có tài khoản giao dịch chứng khoán, chiếm khoảng 2% dân số và số tài khoản có mua bán thường xuyên chưa tới một nửa con số này. Trong khi đó, ở các thị trường khác như Singapore và HongKong, tỷ lệ dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán là lớn hơn rất nhiều.

Cạnh tranh trong nghề: “Không ăn được thì phá cho hôi”?

Câu chuyện cạnh tranh trong nghề môi giới bao gồm những góc cạnh tích cực và cả những mặt tiêu cực, ông Hùng chia sẻ. Về mặt tích cực, nếu một môi giới thấy đồng nghiệp của mình có kiến thức, có nhiều khách hàng, nhiều mối quan hệ hoặc thu nhập cao hơn thì sẽ cố gắng nâng cao trình độ hoặc số lượng khách hàng để có thể bằng hoặc cao hơn đồng nghiệp của mình. Chính vì vậy, mà cách bố trí bàn làm việc của các môi giới chung một nhóm thường gần nhau để tạo ra sự cạnh tranh tích cực, cùng ganh đua với nhau.

Tuy nhiên, ở đâu cũng có những yếu tố tiêu cực như “không ăn được thì phá cho hôi”, hoặc “ghen ăn tức ở” với nhiều chiêu trò khác nhau. Tuy nhiên, đây đều là những hành động không hay và đi ngược lại với ý định sắp xếp vị trí chỗ ngồi ban đầu và ảnh hưởng đến sự phát triển của chính cá nhân đó và công ty. Chính vì vậy, mỗi hành động của các nhân viên môi giới đều có đội nhóm và phòng quản lý, những cá nhân có hành động chơi xấu chắc chắn sẽ bị đào thải và xa lánh để không thể phát sinh tình trạng này.

Song song đó, ông Hùng cho biết ở thời điểm hiện tại, cạnh tranh trong nghề môi giới không chỉ là giữa các môi giới với nhau mà còn là giữa các công ty chứng khoán về thị phần môi giới. Vào năm 2015, tổng thị phần của top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cao nhất hai sàn vào khoảng 67%, đến năm 2016, con số này đã lên tới 70%. Như vậy khoảng 70 công ty chứng khoán còn lại chỉ nắm giữ 30% tổng thị phần môi giới toàn thị trường. Trong đó, riêng top 20 công ty chứng khoán nằm ở vị trí kế tiếp sau top 10 công ty có thị phần cao nhất đã chiếm khoảng 20%. Như vậy 50 công ty còn lại tiếp tục tranh giành 10% thị phần nhỏ nhoi này. Và sự cạnh tranh có thể thấy là khá gay gắt.

Mặt khác, xu hướng trong năm 2016 là các công ty chứng khoán lớn tiếp tục thu hút nhà đầu tư và dòng tiền, do đó thương hiệu của các công ty này tiếp tục được củng cố trên nền tảng về công nghệ và khả năng tư vấn tốt. Với sự ra mắt của các sản phẩm chứng khoán phái sinh thì chỉ có những công ty chứng khoán lớn, có đủ tiềm lực mới có thể đáp ứng được, trong khi các công ty nhỏ thì gặp nhiều hạn chế về vốn và nhân lực. Cũng vì thế mà những công ty chứng khoán nhỏ phía sau sẽ khó mà cạnh tranh được với 20 công ty chứng khoán đầu. Với việc mảng môi giới đóng góp không nhiều cho lợi nhuận của công ty thì các công ty chứng khoán sẽ bỏ hoặc gom lại mảng môi giới và thậm chí là M&A với công ty khác và lộ trình họ đi trong năm 2017 sẽ là rất nhanh./.