Những kênh đầu tư sinh lời tốt nhất và tệ nhất 2016

Những kênh đầu tư sinh lời tốt nhất và tệ nhất 2016

Chứng khoán Brazil và Nga đứng đầu bảng xếp hạng, Brexit nhấn chìm đồng Bảng Anh

Chứng khoán Brazil và Nga, cùng với dầu Brent, đứng đầu bảng xếp hạng về các kênh tài sản có thành quả tốt nhất trong năm 2016, trong khi quyết định rời khỏi EU của Anh đã nhấn chìm đồng Bảng, MarketWatch đưa tin.

 

Trong khi đó, cổ phiếu Thượng Hải và đặc biệt là cổ phiếu ca cao bị tụt lại phía sau.

Bảng dưới đây đưa ra phân tích về sự thay đổi giá cả của các tài sản neo theo đồng USD, tính tới ngày thứ Năm (29/12/2016):


Nguồn: Marketwatch

Không còn nghi ngờ gì nữa, Brexit và chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là những sự kiện có sức ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường trong năm 2016.

Sự kiện Brexit đã đẩy đồng Bảng Anh (GBP) trượt xuống sát mức thấp nhất kể từ giữa thập niên 1980, đồng thời khiến đồng tiền này xếp gần cuối trong bảng xếp hạng trên. Tuy nhiên, đồng GBP yếu đã nhấc bổng các cổ phiếu vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu của Anh, ít nhất là về phương diện đồng GBP. Chỉ số FTSE 100 bứt phá đầy ấn tượng với 13.8% khi tính bằng đồng GBP. Tuy nhiên, đà lao dốc của đồng tiền này đã khiến FTSE 100 sụt 5.1% khi xét về phương diện đồng USD trong cùng kỳ.

Ngược lại hoàn toàn với các dự báo trước đó, chiến thắng của Donald Trump đã giúp chứng khoán Mỹ nới rộng đà leo dốc bắt đầu từ đầu mùa hè. Trong đó, S&P 500 liên tiếp xác lập kỷ lục mới và Dow Jones tiến sát mốc 20,000 điểm trước khi giảm nhẹ vào những ngày cuối năm.

Trong khi đó, kênh trái phiếu bị bán tháo nặng nề khi các biện pháp gia tăng chi tiêu tài khóa và chính sách “tạo” lạm phát của Donald Trump đã làm dấy lên mối lo ngại về làn sóng rút vốn khỏi trái phiếu Chính phủ Mỹ và lộ trình nâng lãi suất nhanh hơn. Điều này cũng thúc đẩy đồng bạc xanh, cụ thể chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – dao động gần mức cao nhất trong 14 năm.

Đứng đầu bảng xếp hạng là những tài sản đã bị “vùi dập” trước đây. Cụ thể, sau khi sụt giảm 42% trong năm 2014 khi xét về phương diện đồng USD, chỉ số Bovespa của Brazil đã bứt phá mạnh mẽ sau vụ luận tội Dilma Rousseff, người đã bị Michael Temer thay thế vào chức Tổng thống. Giá dầu ngày càng cao cũng góp phần vào đà tăng của chỉ số này khi nhà đầu tư đổ xô vào Brazil để né tránh một cuộc suy thoái.

Đà hồi phục của giá dầu cũng tác động tích cực đến chứng khoán Nga, với chỉ số Micex nhảy vọt hơn 51% về phương diện đồng USD. Đà leo dốc của đồng Rúp cũng là động lực dẫn tới đà tăng này. Cụ thể, trong năm 2016, đồng USD sụt 15% so với đồng Rúp của Nga. Một quỹ ETF nắm giữ các cổ phiếu Nga đã đứng đầu danh sách các quỹ ETF cổ phiếu nước ngoài có thành quả tốt nhất trong năm 2016.

Rất có khả năng, dầu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Nga trong năm 2017.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng để mắt đến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Trong khi đó, dầu khép lại năm 2016 với đà bứt phá vô cùng mạnh mẽ sau khi các nhà sản xuất chủ chốt trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chung tay cắt giảm sản lượng. Trong năm 2016, giá dầu Brent vọt hơn 51% và giá dầu WTI leo dốc hơn 40% nhờ kỳ vọng thỏa thuận của OPEC sẽ xoa dịu tình trạng dư cung toàn cầu, yếu tố từng gây áp lực lên giá dầu kể từ giữa năm 2014.

Trên thực tế, 2016 là năm đầy tươi sáng đối với các kênh hàng hóa, qua đó giúp chỉ số Bloomberg Commodity ghi nhận năm leo dốc đầu tiên trong 6 năm. Bên cạnh giá dầu thì các kim loại công nghiệp cũng là động lực tăng trưởng chính.

Vậy còn kết quả tồi tệ của các cổ phiếu ca cao thì sao? Đà tăng của sản lượng từ Tây Phi và mối bận tâm về nhu cầu đã làm dấy lên lo ngại rằng ca cao chuẩn bị rơi vào tình trạng dư cung./.