Thủ tướng: Việt Nam sẽ nâng room ngoại tại các ngân hàng sớm nhất trong năm nay

Thủ tướng: Việt Nam sẽ nâng room ngoại tại các ngân hàng sớm nhất trong năm nay

Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại các ngân hàng sớm nhất trong năm nay để đẩy nhanh tiến trình cải tổ hệ thống ngân hàng quốc gia và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thêm: “Chúng tôi sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài và cũng sẽ nới rộng khả năng tiếp cận đến thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện điều này ngay trong năm nay”.

Việt Nam giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng ở mức 30% và đang tìm kiếm các nguồn đầu tư nhằm tăng cường hệ thống tài chính, vốn bị tác động nặng nề bởi sự gia tăng của các khoản nợ xấu tại các công ty nhà nước.

Tuy ông Phúc không nói cụ thể liệu mức trần mới có được áp dụng trong năm nay hay không nhưng ông cho biết Chính phủ Việt Nam có thể bán toàn bộ cổ phần tại các ngân hàng đang gặp vấn đề. Ông chỉ ra trường hợp của ngân hàng OceanBank, vốn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại trong năm 2015 và muốn bán toàn bộ cổ phần.

Ông cho biết: “Ngay lúc này đây, nếu có bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào muốn mua lại cổ phần của các ngân hàng yếu kém thì chúng tôi sẽ bán toàn bộ cổ phần”.

Bước đi tích cực

Việc cho phép áp dụng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn tại các ngân hàng sẽ thu hút nhiều quỹ đầu tư đến với Việt Nam và giúp Chính phủ giải quyết tình trạng nợ xấu, bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis SA ở Hồng Kông, cho biết. Bà nói thêm: “Đây sẽ là một bước đi tích cực mà chúng ta nên thực hiện”.

Chính phủ Việt Nam đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) trong năm 2012 để thu vào các khoản nợ xấu từ các ngân hàng, nhờ đó đã giảm tỷ lệ này từ 17% xuống chỉ còn 2.5% trên tổng vốn vay trong tháng 11/2016. Tuy nhiên, chỉ có gần 5% các khoản nợ xấu chuyển đổi đã được giải quyết, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết trong tháng 7/2016.

Cùng với việc xem xét nới rộng room ngoại tại các ngân hàng, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình thoái vốn nhà nước khỏi lĩnh vực tài chính. Ngoài ra, Chính phủ đang cật lực bán toàn bộ cổ phần tại 2 công ty bia rượu hàng đầu Việt Nam là Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Trong tháng 12/2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đã bán 78.4 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM), cũng là công ty lớn nhất tại Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông muốn biến Việt Nam thành 1 trong 4 nền kinh tế thân thiện với nhà đầu tư hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á trong năm nay. Chính phủ Việt Nam đang phát triển các sáng kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư quốc gia, bao gồm nhiều biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cắt giảm thuế và khả năng tiếp cận điện và đất tốt hơn.

“Việt Nam đang tận tưởng thời kỳ dân số vàng – chúng ta có một lực lượng lao động trẻ và chúng ta cần phải đào tạo họ và đảm bảo họ luôn luôn sẵn sàng. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, ông Phúc chia sẻ.

Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đầu là các công ty như Samsung Electronics Co., chiếm tới 70% ngành xuất khẩu của Việt Nam và đã biến nền kinh tế Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất tại Đông Nam Á. Lượng vốn FDI giải ngân leo lên mức kỷ lục 15.8 tỷ USD trong năm 2016, qua đó góp phần vào đà tăng trưởng kinh tế hơn 6%.

Thủ tướng Việt Nam dự báo năm 2017 sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế còn cao hơn cả năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 7% cho đến năm 2020./.