Ai sẽ chịu thiệt nhất nếu Donald Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?

Ai sẽ chịu thiệt nhất nếu Donald Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, có lẽ quốc gia chịu thiệt nhiều nhất sẽ là Đài Loan. Vì Đài Loan có nền kinh tế lệ thuộc khá nhiều vào hoạt động xuất khẩu, trong đó hoạt động giao thương với Trung Quốc và Mỹ đem lại hàng tỷ USD cho quốc gia này. Do đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ gây ra hiệu ứng lan tỏa từ Thung lũng Silicon cho tới Đài Bắc và Bắc Kinh, CNBC cho hay.

 

Dường như, rủi ro xuất hiện chiến tranh thương mại là có thật. Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng những lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc, cụ thể buộc tội Bắc Kinh vì đã thao túng đồng Nhân dân tệ và cướp mất việc làm của người dân Mỹ. Đáng lo hơn, nhà đầu tư lo ngại Donald Trump sẽ phá vỡ những năm tháng gìn giữ “Chính sách một Trung Quốc”. May thay, vấn đề này đã lắng xuống trong tuần trước khi ông Trump có cuộc họp mặt với Chủ tịch Nước Tập Cận Bình và cam kết sẽ tôn trọng lập trường của Trung Quốc.

* Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam có là mục tiêu tiếp theo trong chiến tranh thương mại của Mỹ?

* Chiến tranh thương mại – lo sợ hàng đầu của Phố Wall về Donald Trump?

* Tại sao Mỹ không nên khởi đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?

Khi tình trạng căng thẳng giữa chính quyền Donald Trump và Trung Quốc biến động, các công ty phụ thuộc vào Đài Loan đang cân nhắc điều chỉnh lại vị trí của một số hoạt động trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, có cả ông lớn công nghệ tại Đài Loan Foxconn, một nhà cung ứng quan trọng của Apple. Được biết, công ty này chuyên sản xuất iPhones ở Trung hoa đại lục và đem lại việc làm cho gần 1 triệu người dân ở nơi đó.  

Để hưởng lợi từ chính quyền mới ở Mỹ, Terry Gou, nhà sáng lập Foxconn, đã nói rằng công ty có thể nhập hội với Apple và đầu tư 7 tỷ USD vào Mỹ, đồng thời cho biết một nhà máy mới có thể được xây dựng ở Pennsylvania.

Các công nhân ở nhà máy Foxconn tại Thâm Quyến, Trung Quốc

Tiếp nối sau đó, Chủ tịch của Pegatron, nhà lắp ráp iPhone có trụ sở ở Đài Loan, cho biết công ty chuẩn bị mở rộng hoạt động ở Mỹ từ “3 đến 5 lần” nếu cần thiết. Bên cạnh đó, Quanta Computer, nhà sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới và là nhà cung ứng máy chủ (server) cho nhiều công ty như Dell và Hewlett Packard ở Đài loan, cho biết sẽ gia tăng gấp đôi hoạt động lắp ráp máy chủ ở Mỹ, được xây dựng dựa trên các nhà máy đang hoạt động ở bang Tennessee và California.

Các nhà sản xuất giày và các công ty dệt may ở Đài Loan đã bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất sang các nơi khác ở châu Á, như Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ. Trong đó, ông lớn dệt may Eclat Textile, nhà cung cấp cho Nike và Under Armor, cũng đang cân nhắc việc dịch chuyển các nhà máy ở Mỹ, Asia Nikkei Review cho hay. 

Vốn nổi tiếng vì sự nhạy bén trong hoạt động sản xuất công nghệ cao và kinh nghiệm quản lý, Đài Loan phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động thương mại nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 62% GDP năm 2016, Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết.

Tính cho đến nay, Trung hoa đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, cụ thể chiếm tới 26% kim ngạch xuất khẩu năm 2016 với tổng trị giá 74 tỷ USD. Trong khi đó, Mỹ, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Đài Loan sau Hồng Kông, chỉ chiếm 12%.

Top 5 đối tác thương mại của Đài Loan
Nguồn: Cục Thống kê Đài Loan

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã bị thâm hụt thương mại nặng nề với Đài Loan. Trong năm 2016, cán cân thương mại của Mỹ với Đài Loan thâm hụt 13 tỷ USD, dữ liệu từ Cục Thống kê Mỹ cho thấy.

Các tập đoàn lớn của Mỹ như Microsoft, DuPont, 3M và IBM có hoạt động sản xuất, nghiên cứu và đầu tư tại Đài Loan. Bên cạnh đó, nhà sản xuất kính cao cấp Corning đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy lớn nhất trên thế giới tại Đài Loan.

Đất nước đang trong quá trình chuyển đổi

 

Một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tác động tiêu cực đến Đài Loan vì đa số các ngành tiêu dùng theo định hướng công nghệ của quốc gia này đều gắn chặt với Trung Quốc, như là một phần của chuỗi giá trị toàn cầu, Steve Tsang, Giám đốc của SOAS China Institute, cho biết.

Đài Loan có thể không chịu nổi một cú sốc mạnh như thế, vì nền kinh tế này đang trong một quá trình chuyển đổi đầy gian truân. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế thì chậm chạp chỉ với khoảng 1% mỗi năm, trong khi hoạt động xuất khẩu thì giảm sút, lao dốc 13% so với mức đỉnh trong năm 2014.

Đài Bắc hy vọng sẽ hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận được ký kết giữa 12 quốc gia khu vực châu Á–Thái Bình Dương vốn đại diện 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, Donald Trump đã khai tử TPP vào ngày đầu tiên nhậm chức vì theo quan điểm của ông, đây là thỏa thuận tồi tệ đối với nước Mỹ. Theo đó, mọi hy vọng của Đài Loan về TPP cũng chợt tắt./.