Australia hướng tới thỏa thuận “TPP-1” sau khi Mỹ rút lui

Australia hướng tới thỏa thuận “TPP-1” sau khi Mỹ rút lui

Australia sẽ đẩy mạnh một thỏa thuận thương mại Thái Bình Dương không có Mỹ (TPP-1) tại cuộc họp với các quốc gia thành viên tiềm năng khác ở Chile vào tháng tới, Bộ trưởng Thương mại Australia, Steven Ciobo, cho hay.

* Mỹ chính thức rút khỏi TPP, nới lỏng quan hệ với châu Á

Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn “cực kỳ” cần thiết dù không có sự tham gia của Mỹ và nội dung của thỏa thuận này chỉ cần phải thay đổi đôi chút sau khi Mỹ chính thức rút khỏi TPP, ông Ciobo cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg trong ngày thứ Tư.

Ông Ciobo cho rằng: “Vẫn còn đó rất nhiều lợi ích có thể đạt được từ TPP. Tôi không muốn đánh mất những lợi ích này và tôi biết một số quốc gia khác cũng vậy”.  

TPP đã rơi vào tình thế hỗn loạn sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận. Nói rộng hơn, ông Trump đã lên tiếng phàn nàn về các thỏa thuận thương mại tự do và đưa ra lập trường bảo hộ thương mại Mỹ. Về phía châu Á, ông lên tiếng chỉ trích các chính sách thương mại của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời đe dọa khởi đầu một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Mặc dù Thủ tướng Malcolm Turnbull đã bàn luận về việc tiến tới thỏa thuận “TPP-1” với Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, và tổ chức các cuộc đàm phán với các lãnh đạo từ New Zealand và Singapore, nhưng một số quốc gia vẫn không muốn tiến tới thỏa thuận khi không có sự tham gia của Mỹ.

“Các thay đổi nhỏ”

Để chính thức có hiệu lực, TPP cần phải được ít nhất 6 quốc gia thành viên thông qua, và các quốc gia này phải chiếm 85% tổng GDP của 12 quốc gia ký kết lúc đầu. Với điều khoản này, TPP sẽ khó mà tiến tới nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Khi được hỏi về điều luật 85%, ông Ciobo cho rằng để có thể tiến tới TPP mà không cần sự tham gia của Mỹ, thì cần phải thực hiện một số thay đổi nhỏ trong nội dung của thỏa thuận.

Ông nói thêm ông đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc xúc tiến thỏa thuận “TPP-1” với các quốc gia Nhật Bản, Canada, Mexico, Malaysia, Singapore và New Zealand.

Một số quốc gia đã tỏ ý muốn thương lượng trực tiếp với Mỹ về hoạt động thương mại. Về phần mình, Australia đã có sẵn một thỏa thuận song phương với Mỹ. Hàn Quốc và Singapore cũng vậy.

Những khó khăn mà TPP đang phải đối mặt đã châm ngòi cho sự trỗi dậy của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận bao gồm các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 quốc gia bên ngoài là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Được biết, các đợt đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 2/2017 ở Nhật Bản./.