Nhịp đập Thị trường 10/02: Đóng cửa trái chiều

Nhịp đập Thị trường 10/02: Đóng cửa trái chiều

Đà tăng điểm co lại 1 chút ở thời điểm đóng cửa tuy nhiên, 2 chỉ số chính vẫn giữ vững sắc xanh trong khi UPCoM-Index không kịp về lại mức tham chiếu khi đóng cửa giảm 0.06%.

Kết tuần, VN-Index tăng 3.43 điểm, tương ứng 0.49% lên mức 703.78 điểm, tăng cao hơn ở mức 1.19%, HNX-Index có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp.

Thanh khoản toàn thị trường đạt trung bình 3,446 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh 42.95% so với mức trung bình của 5 phiên giao dịch trước đó.

14h: “Chấp” VNM, VCBVIC, VN-Index vẫn tăng hơn 3 điểm

Cả 3 cổ phiếu lớn nhất trong từng lĩnh vực của mình trên thị trường đều có giao dịch khá trầm lắng tính đến thời điểm này khi đồng loạt giảm điểm nhẹ, mặc dù vậy, ảnh hưởng tiêu cực từ các cổ phiếu này là hầu như không xuất hiện.

Bằng chứng là, các cổ phiếu ACB, CTG, BID trong nhóm ngân hàng vẫn tăng ổn định, DXG, KDH, NBB, SJS thuộc lĩnh vực Bất động sản vẫn tăng điểm khá thậm chí HDG, ITC, NTB, … còn tăng kịch trần và không còn dư bán. Ở nhóm ngành hàng tiêu dùng, diễn biến chậm chạp của VNM hầu như không tác động đến bộ đôi SABBHN, khi cả 2 lần lượt tăng gần 1% giá trị. Việc có tên trong rổ MSCI Frontier Markets Index (chỉ số cơ sở của quỹ iShare MSCI Frontier Markets 100 ETF) gần như ngay lập tức hỗ trợ SAB tạm thời thoát khỏi chuỗi giảm giá liên tục kéo dài từ 18/01/2017 đến nay.

Ngược lại, sau thông tin sụt giảm doanh thu lần đâu qua nhiều năm cha đẻ của nhãn hiệu Sữa đậu nành bán chạy nhất Việt Nam (Vinasoy) là QNS vẫn đang chật vật trụ lại tại giá tham chiếu, thanh khoản là khá thấp. Tương tự, HVG đã giảm điểm trở lại chỉ sau 1 phiên tăng mạnh khi thông tin bị đưa vào diện cảnh báo của Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM từ 15/02/2017 rõ ràng là không mấy tích cực.

Phiên sáng: Phân hóa

Đã có nhiều hơn cổ phiếu tăng giá so với thời điểm đầu phiên giao dịch. Số lượng cổ phiếu tăng/giảm trong nhóm dẫn dắt đã trở nên cân bằng giúp cho VN-Index đóng cửa phiên sáng tăng gần lên mức cao nhất khi cộng thêm 0.35%, lên đứng tại 703.11 điểm. HNX-Index tăng mạnh nhất khi có thêm 0.58% trong khi UPCoM-Index đã đảo chiều giảm điểm.

Tạm nghỉ trưa, KLGD toàn thị trường đạt 111 triệu đơn vị trao tay, GTGD ghi nhận mức 2,007 tỷ đồng.

11h: Ngân hàng trở lại

Đã có dấu hiệu cho thấy dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Khởi đầu tư CTG sau đó lan sang các cổ phiếu khác như BID, ACB, mức tăng là khá ấn tượng. STB trở lại giá tham chiếu trong khi VCB cũng từng bước thu hẹp số điểm bị mất.

Việc niêm yết giá dự kiến lên đến 90,000 đ/cp của VJC (Vietjet Air) cũng được cho là động lực thúc đẩy nhóm cổ phiếu Hàng Không đã niêm yết trước đó là ACV và đặc biệt là HVN đang tăng giá mạnh mẽ. Nếu so với mức giá dự kiến của VJC, mức giá hiện tại của HVN là 41,600 được cho là không tương xứng.

Cổ phiếu Phân Bón với các đại diện lớn như DPM, DCM hay BFC tuy không còn hút hàng như tuần trước nhưng vẫn đang đem lại niềm vui cho cổ đông với việc tăng giá hàng loạt.

10h20: Đà tăng thu hẹp

Dòng tiền tiếp tục luân chuyển và điểm đến trong giai đoạn này là các cổ phiếu có thị giá trung bình thấp.

Nhóm Dệt may, tiêu biểu là VGT, TCM, TNG hay GMC, có dấu hiệu hút tiền từ vài phiên gần đây tiếp tục có diễn biến lạc quan tuy mức tăng không còn quá mạnh mẽ.

Cổ phiếu Thép tiếp tục tăng giá đồng loạt sau sự đảo chiều khá bất ngờ diễn ra ở những phút cuối của HPG trong phiên hôm qua. Tuy vậy, cũng như Dệt may, mức tăng giá tại đây là không đáng kể.

Sự khởi sắc của lĩnh vực Bất động sản đã trực tiếp có ảnh hưởng rất tích cực tới các doanh nghiệp Hạ Tầng. Trong thời gian qua, 2 ông lớn là CTDHBC liên tục có những bước nhảy vọt về giá và là điểm đến ưa thích của giới đầu tư thì gần đây, ông vua trong lĩnh vực nền móng là FCN cũng có dấu hiệu bắt đầu một xu hướng tăng giá. Bỏ qua những lo ngại về trái phiếu chuyển đổi, việc tăng trưởng đều đặn về doanh thu và lợi nhuận trong 5 năm gần đây đang khiến mức giá hiện tại của FCN trở nên hấp dẫn.

10h20, các chỉ số vẫn tăng nhẹ nhưng tỷ lệ cộng thêm đã có xu hướng co hẹp lại, thấp nhất là VN-Index chỉ tăng 0.15% trong khi UPCoM-Index tăng cao nhất cũng chỉ đạt 0.24% giá trị. Thanh khoản toàn thị trường đạt 62 triệu đơn vị, GTGD tương ứng đạt 1,093 tỷ đồng.

9h15: Mở cửa thận trọng

Tiếp tục có mở cửa tăng điểm nhưng mức tăng mỏng và khối lượng giao dịch thấp thể hiện rất rõ tâm lý thăm dò của nhà đầu tư khi thị trường đã bước vào giai đoạn không còn nhiều thông tin hỗ trợ đáng kể.

Sự phân hóa đang diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu. Trong nhóm cao su, HRCPHR tiếp tục tăng trong khi DPRTRC tham chiếu còn bộ đôi HAG, HNG giảm khá mạnh.

Nhóm ngân hàng chứng kiến VCB và SHB giảm giá, BID, CTG, STB tăng giá nhẹ trong khi ACB chưa phát sinh giao dịch.

Đến 9h15, VN-Index mở cửa tăng nhẹ 0.07%, 2 chỉ số còn lại cũng lần lượt cộng thêm 0.21% và 0.31% giá trị.

Cập nhật trước phiên

Áp lực chốt lời ở nhiều nhóm cổ phiếu quan trọng đã đẩy VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0.2%, lui về mức 700.65 điểm, thanh khoản toàn thị trường ghi nhận 3,648 tỷ đồng, tăng 16.54% so với phiên trước đó.

Cao su thiên nhiên, dầu khí, ngân hàng, bia rượu, … là các nhóm cổ phiếu bị bán ra mạnh mẽ nhất sau một giai đoạn tăng điểm khá ấn tượng trước đó, phần lớn đều giảm điểm ở mức độ vừa phải. Vẫn còn quá sớm để đánh giá động thái này là chỉ là việc chốt lời thông thường khi đạt kỳ vọng hay sự thoái trào của một xu hướng, tuy nhiên, giá giảm đi kèm khối lượng tăng luôn là một tín hiệu cần nhìn nhận một cách thận trọng.

Hơn nữa, việc hàng loạt cổ phiếu có tính đầu cơ, thị giá thấp tăng rất mạnh cũng thường làm dấy lên lo ngại về việc thị trường đang ở đoạn cuối của một con sóng tăng giá. Ở chiều ngược lại, đợt điều chỉnh này, nếu có, sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư chậm chân trong quá trình tăng giá trước hoặc đã chốt lời trong thời gian gần đây có thể có cơ hội mua lại cổ phiếu với giá hợp lý.