Chứng khoán 2017: Cơ hội còn ở phía trước

Chứng khoán 2017: Cơ hội còn ở phía trước

Trong buổi hội thảo Đầu tư tài chính 2017 – Chiến lược cân bằng lợi nhuận và rủi ro diễn ra ngày 03/03, CTCK Phú Hưng (PHS) cho rằng chỉ số VN-Index sẽ đứng trước cơ hội lập đỉnh 10 năm trong năm nay.

Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Winston Lu, Giám đốc khối Phân tích, CTCK Phú Hưng cho rằng trong năm nay, VN-Index đứng trước cơ hội rất lớn là làn sóng thoái vốn và niêm yết của các doanh nghiệp lớn. Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chào đón những doanh nghiệp tỷ USD lên sàn như Mobifone với giá trị ước tính 3.8 tỷ USD, Petrolimex là 1.4 tỷ USD, PV Power là 1.2 tỷ USD, Techcombank là 1 tỷ USD và đây sẽ là động lực lớn cho thị trưởng tăng điểm. Mặt khác, ngành hàng tiêu dùng, công nghiệp, năng lượng và ngân hàng được dự đoán sẽ tăng mạnh về vốn hóa năm 2017.

Đáng chú ý, giá hàng hóa trong thời gian qua đã thể hiện sự hồi phục mạnh mẽ. Điển hình là giá dầu đã hồi phục hơn 50% trong năm 2016 và duy trì trên ngưỡng 50 USD/thùng, điều này kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp dầu khí bắt đầu cải thiện kết quả kinh doanh từ quý 1/2017. Bên cạnh đó, quyết định kéo dài thời gian đóng băng sản lượng của OPEC và nhu cầu gia tăng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu. Song, một yếu tố rủi ro cần phải nhắc tới là sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ tạo ra ngưỡng cản lớn tại mốc giá 55 USD/thùng, đây là điểm hòa vốn của dầu đá phiến.

Ngoài ra, nhu cầu xây dựng được dự báo vẫn ở mức cao trong năm 2017 nhờ tốc độ mở rộng đô thị hóa. Trong khi đó, nguồn cung từ sản xuất thép trong nước mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu nội địa nên dư địa tăng trưởng trong ngành vẫn còn rất lớn. Vì vậy, giá sắt thép dự đoán trong năm 2017 sẽ có sự hồi phục so với giai đoạn trước.

Song song đó, giới hạn sở hữu nước ngoài được dỡ bỏ mang đến cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên sang mới nổi, điều này sẽ giúp thu hút thêm dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, từ quý 2 năm nay, sẽ có thêm các sản phẩm mới trên thị trường như chứng khoán phái sinh, nhờ đó nhà đầu tư có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro và đầu cơ.

Một thập kỷ trước, với làn sóng thoái vốn và niêm yết lần thứ nhất, khi VNM niêm yết vào tháng 1/2006  với giá trị vốn hóa khoảng 500 triệu USD, chiếm 50% giá trị vốn hóa thị trường thời điểm đó đã khiến VN-Index bật tăng, chinh phục đỉnh 10 năm qua. Ở thời điểm hiện tại, với tất cả cơ hội phía trước, cùng làn sóng thoái vốn và niêm yết lần thứ 2, rất có khả năng giá trị vốn hóa thị trường sẽ vượt 100 tỷ USD trong năm 2017 này. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, việc chinh phục đỉnh 10 năm của VN-Index có trở thành hiện thực hay không vẫn là một câu hỏi mà chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

Phân tích các yếu tố tác động đến kinh tế vĩ mô nói chung, tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy Kinh tế Fullright, cho rằng một trong những động lực chính tăng trưởng của phía cầu trong năm 2016 là tăng trưởng tiêu dùng của dân cư, mà trước đây chủ yếu là đầu tư sẽ có thể tiếp tục trong thời gian tới. Ngoài ra, vấn đề về sự thất bại của TPP cũng sẽ có tác động không tốt tới Việt Nam, song vẫn có khả năng những hiệp định song phương giữa Việt Nam và các quốc gia khác được ký kết, đặc biệt là hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Thành tin tưởng rằng điều này sẽ được tính toán và triển khai.

Một tín hiệu vĩ mô tích cực là nếu loại bỏ những yếu tố tăng giá dịch vụ y tế và giá dầu thì lạm phát cơ bản của nước ta vẫn nằm dưới 2%. Trong năm 2017, dự kiến giá dầu tăng sẽ có ảnh hưởng nhất định lên lạm phát, song với mức lạm phát cơ bản thấp vẫn sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng nhà nước có chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.