ĐHĐCĐ BIDV: Bộ Tài chính chỉ đạo trả cổ tức 7% tiền mặt vào phút chót

ĐHĐCĐ BIDV: Bộ Tài chính chỉ đạo trả cổ tức 7% tiền mặt vào phút chót

Sáng ngày 22/04, Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam – BIDV (HOSE: BID) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017, trong những phút cuối của đại hội, Đoàn chủ tịch đã nhận được chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc phải chi trả cổ tức 2016 bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu với tỷ lệ 7% và được cổ đông thông qua.

Tại đại hội, HĐQT đã trình phương án tăng vốn điều lệ từ 34,187 tỷ đồng lên 38,632 tỷ đồng (tương đương mức tăng 13%), bằng việc phát hành hơn 444.5 triệu cp.Trong đó, Ngân hàng sẽ phát hành 239.3 triệu cp trả cổ tức năm 2016, theo tỷ lệ 7% trong quý 2 hoặc quý 3/2017; chào bán 102.6 triệu cp theo chương trình ESOP theo tỷ lệ 3%, dự kiến thực hiện trong quý 2,3/2017 và chào bán riêng lẻ 102.6 triệu cp cho không quá 20 nhà đầu tư, mức giá của 2 đợt chào bán ủy quyền cho HĐQT quyết định, lượng cổ phiếu chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Bên cạnh đó, HĐQT cũng dự kiến trường hợp có thể phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi, phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng tính linh hoạt cho kế hoạch tăng vốn và phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại.

Cần nhắc lại rằng, đây không phải lần đầu tiên BIDV trình phương án tăng vốn. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, BIDV cũng từng xây dựng phương án tăng vốn thêm 9,446 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu và từng có ý định trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng đã không suôn sẻ.

Tại kỳ đại hội 2017 lần này, Bộ Tài chính cũng đã có yêu cầu vào phút chót về việc phải chi trả cổ tức 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%. Như vậy, một lần nữa kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu của BIDV lại không thành.

ĐHĐCĐ của BIDV diễn ra ngày 22/04

Dự kiến giảm sở hữu của Nhà nước xuống 65% đón đầu NĐT ngoại

Tại đại hội, ông Trần Anh Tuấn - quyền Chủ tịch HĐQT, cho biết việc tăng vốn điều lệ khó là vì tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Ngân hàng khá lớn, khoảng 95.28% vốn điều lệ. Mặt khác, nếu việc tăng vốn không thể hoàn thành thì sẽ không đạt được mức chỉ tiêu an toàn.

Trong các phương án, tăng vốn bằng việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cần phải được sự đồng ý của Nhà nước. Hiện tại BIDV đang chờ chỉ đạo từ Bộ Tài chính. Ngân hàng cũng mong muốn tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài và đã thực hiện triển khai trong năm 2016 nhưng chưa thành công. Một phần nguyên nhân là do BIDV phải chịu ảnh hưởng từ việc nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), khiến bộ máy nhân sự mở rộng (tăng thêm gần 3,760 người, nâng tổng số lên 22,000 nhân viên), bên cạnh đó chất lượng tài sản cũng bị ảnh hưởng.

Chia sẻ cụ thể hơn về việc thu hút nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, ông Trần Anh Tuấn cho hay, BIDV có lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống 65%, thực hiện bán vốn cho đối tác nước ngoài nếu như tìm được nhà đầu tư phù hợp.

Mặt khác, BIDV cũng chỉ giới hạn việc chào bán cổ phần cho không quá 20 NĐT nước ngoài, nhằm rút ngắn thời gian và thủ tục thực hiện. Mức giá chào bán cho NĐT sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách của Ngân hàng nên cổ đông có thể yên tâm.

Chia sẻ thêm, Ban lãnh đạo cho biết, BIDV cũng đã tìm kiếm và hợp tác với các định chế tài chính nước ngoài, đơn cử như Sumitomo Mitsui Trust Bank – SMTB. Sắp tới, BIDV sẽ thành lập công ty liên doanh với SMTB hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính, hoạt động tín dụng khác.

Kế hoạch 2017 lãi trước thuế 7,750 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 7%

Năm 2017, BIDV dự kiến vốn huy động tăng trưởng 16.5% so với năm trước, dư nợ tín dụng tăng 16%, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.

BIDV đặt mục tiêu lãi trước thuế 7,750 tỷ đồng, với mức ROE trên 13%. Trong quý 1/2017, kết quả của BIDV khá khả quan với tăng trưởng tín dụng đạt 4.85%, huy động vốn tăng 3.15%. Lợi nhuận ghi nhận khoảng 2,000 tỷ đồng, đạt 27%kế hoạch năm.

Điểm lại kết quả năm 2016, BIDV ghi nhận lợi nhuận thuần 16,500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 7,709 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2015 và tương đương gần 98% kế hoạch.

Tổng vốn huy động đạt hơn 940,020 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư ở mức 949,940 tỷ đồng, tăng 18%; tỷ lệ nợ xấu 1.95%.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của BIDV ở mức 1,006 tỷ đồng, tăng 18% so với 2015. Hệ số CAR của BIDV ở mức 10.15% và ngân hàng hướng đến mục tiêu chỉ số CAR không thấp hơn 9% theo Basel II trong năm 2017 và không thấp hơn 8% trong năm 2020.

Tại đại hội, cổ đông cũng đã bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2017-2022, ngoài 8 thành viên tiền nhiệm, HĐQT mới có thêm thành viên là ông Bùi Quang Tiên- Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, vị trí thành viên HĐQT độc lập cũng có sự thay đổi, ông Lê Việt Cường được bầu thay thế cho ông Tô Ngọc Hưng./.