Hàng đầu cơ dậy sóng

Chuyển động dòng tiền tuần 27-31/03

Hàng đầu cơ dậy sóng

Sau một tuần giao dịch đột biến về thanh khoản lẫn điểm số, thị trường chứng khoán tuần qua (27-31/03) có dấu hiệu chững lại và dòng tiền trở lại với nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 185.8 triệu đơn vị/phiên giảm 6.31% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 43.5 triệu cổ phiếu/phiên giảm 16.8%.

Trên HOSE, cổ phiếu BGM dẫn đầu về tăng trưởng thanh khoản với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 triệu cp/phiên, tăng hơn 600% so với tuần giao dịch trước đó nhưng giá thì điều chỉnh giảm đến 12%.

Tuần qua có thể xem là mốc đáng quên đối với cổ đông BGM khi HOSE vừa thông báo về việc đưa cổ phiếu BGM vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 30/03/2017 do công ty thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Có lẽ vì thế mà BGM liên tục giảm sàn từ 24-29/03, đáng chú ý ngày 29/03 thì BGM khớp gần 4.5 triệu cp (mức cao nhất trong 1 năm qua), tương ứng khoảng 10% vốn, giá đóng cửa tại 860 đồng/cp, mức thấp nhất từ khi niêm yết.

Không chỉ riêng BGM, hai mã đầu cơ khác là TNT và PPI cũng hút mạnh dòng tiền, lần lượt tăng trưởng hơn 310% và 280% so với tuần trước đó. Cả hai cổ phiếu này đều không có bất kỳ thông tin nào hỗ trợ, chưa kể kết quả kinh doanh 2016 công bố trước đó với con số giảm rất mạnh so với năm 2015.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều mã đầu cơ cũng có thanh khoản tăng đột biến phải kể đến như VHG, APG, TSC, HHS, HID, DTA, TTF, PTL, MCG….

Có một điểm đáng chú ý nữa là những con số về kế hoạch kinh doanh được doanh nghiệp niêm yết rục rịch công bố cùng với việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017. Dễ nhận thấy, các đơn vị tổ chức đại hội tuần qua đã nhận được sự quan tâm mạnh từ phía nhà đầu tư trước những luồng thông tin hé lộ tại đại hội.

Chẳng hạn với HHS, xu hướng hồi phục trong tuần qua tạm thời thay thế cho chặng đường giảm mạnh trước đó. Đi kèm là hoạt động bắt đáy gia tăng mạnh mẽ, đẩy khối lượng giao dịch bình quân lên đến 5.4 triệu cp/phiên, tăng gần 220% so với tuần trước đó với giá cổ phiếu cũng tăng 11.3%.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, cổ đông HHS đã đề xuất công ty mua cổ phiếu quỹ để cứu giá. Mặc dù ban lãnh đạo HHS cho biết sẽ xem xét việc này nhưng hiệu ứng của nó là rất cao. Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý nữa sau khi đại hội kết thúc là ông Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch HHS đăng ký mua qua sàn 10 triệu cp HHS từ 05/04 đến 04/05/2017 cũng tác động tốt lên diễn biến cổ phiếu trên thị trường.

Một đơn vị khác là TSC đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 vào cuối tuần nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với tổng doanh thu 1,577 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2016. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gấp gần 2.4  lần, ở mức 25.4 tỷ đồng. Kết thúc tuần qua thì thanh khoản ở TSC cũng đã bật tăng 130%, đạt bình quân gần 1.5 triệu cp/phiên.

Những ông lớn khác như NKG, REE, MWG hay DXG cũng là những cổ phiếu có thanh khoản tăng trưởng đáng kể một phần nhờ thông tin đến từ buổi ĐHĐCĐ thường niên 2017. Đáng chú ý là NKG vói khối lượng giao dịch tăng 250% và giá tăng 13% trong tuần qua.

* ĐHĐCĐ Thế giới di động: Sau năm 2018 động lực tăng trưởng sẽ đến từ Bách hóa xanh

* ĐHĐCĐ Đất Xanh: Kế hoạch lãi 1,000 tỷ đồng năm 2018, đến đầu 2019 đạt vốn hóa 1 tỷ USD

* ĐHĐCĐ REE: Kế hoạch doanh thu 2017 tăng 26% nhưng lãi chỉ nhích 4%, đạt 1,136 tỷ đồng

Song, đó cũng là những mã cơ bản hiếm hoi bởi tuần qua dòng tiền rút khỏi nhóm này khá mạnh như PAC, CTI, VIC, LSS, LHG, SJS, CII, BHS, FPT

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE

 

Trên HNX thì dòng tiền suy yếu thấy rõ, chỉ còn 13 mã có khối lượng giao dịch bình quân tăng so với tuần trước (xét trên nhóm có khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 cp/phiên).

Ngược lại có đến 39 mã giảm thanh khoản, trong đó nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa lớn bị rút mạnh như PGS, ACB, CVT, VCB, VND, VKC

Những cổ phiếu có thanh khoản tăng sàn HNX

Top 20 mã có thanh khoản giảm mạnh nhất sàn HNX