TPHCM ban hành kế hoạch phát triển 500,000 doanh nghiệp đến năm 2020

TPHCM ban hành kế hoạch phát triển 500,000 doanh nghiệp đến năm 2020

UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch phát triển 500,000 doanh nghiệp đến năm 2020 tại Quyết định số 1482/QĐ-UBND.

Theo đó, đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu thành phố có ít nhất 500,000 doanh nghiệp hoạt động; đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp. Tăng cường triển khai và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố trong thời gian tới.

Đối tượng áp dụng là các hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn thành phố; các doanh nghiệp đăng ký và hoạt động theo Luật doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố; và các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện liên quan đến công tác chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, các quận huyện cần có kế hoạch triển khai vận động và tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đến người dân và các hộ kinh doanh để phấn đấu trong năm 2017 và giai đoạn 2017 – 2020, mỗi năm có bình quân khoảng 20,000 doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 500,000 doanh nghiệp. Được biết, tính đến cuối năm 2016, TPHCM có khoảng 281,309 hộ kinh doanh cá thể.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng, dễ dàng trong các thủ tục để thúc đẩy, hỗ trợ các Hộ Kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức dianh nghiệp; hỗ trợ toàn bộ các lệ phí do Hộ kinh doanh phải nộp khi thực hiện đăng ký thành lập doanh  nghiệp và các giấy phép kinh doanh có điều kiện lần đầu…

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng nêu rõ các giải pháp nâng cao các chính sách hỗ trợ của Thành phố đối với các lĩnh vực Nông nghiệp, Công nghiệp thương mại, Tư pháp, Khoa học công nghệ và đặc biệt là chính sách hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, triển khai các chính sách phát triển nguồn lao động phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, bao gồm: Đề án thực hiện giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động; Đề án đổi mới cơ chế, chính sách giáo dục nghề nghiệp; Đề án Tổ chức đào tạo 500 kỹ sư, chuyên gia quản lý và 2,500 công nhân kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án Tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặt biệt là 08 ngành có sự chuyển dịch lao động tự do trong cộng đồng ASEAN-AEC…

Đồng thời, bổ sung các hình thức đào tạo mở rộng đối với các đơn vị mở rộng; mời các chuyên gia, doanh nhân, giảng viên nước ngoài nổi tiếng, có kinh nghiệp và uy tín để trao đổi, chia sẻ kiến thức. Tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm khởi sự và quản trị doanh nghiệp nhằm xây dựng mạng lưới thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà quản lý./.