BHXH tìm cách đầu tư hiệu quả hơn

BHXH tìm cách đầu tư hiệu quả hơn

Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay, gửi vào ngân hàng, BHXH kiến nghị được chọn một số công trình trọng điểm quốc gia có lợi nhuận cao để đầu tư quỹ hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị “Đối thoại thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2017” diễn ra gần đây ở TPHCM, đại diện cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016, kết dư Quỹ BHXH khoảng 453.000 tỉ đồng, tăng 22,44% so với cuối năm 2015.

Với hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ, tiền đầu tư trong năm 2016 là 150.061 tỉ đồng, số thu hồi (gốc) là 67.000 tỉ đồng. Tổng số dư nợ đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2016 là 500.000 tỉ đồng, tăng 19% so năm 2015.

Cũng theo BHXH Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp là 208.397 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp FDI là 16.085 doanh nghiệp, chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn khối doanh nghiệp là 151.581 tỉ đồng. Trong đó, số thu của doanh nghiệp FDI là 71.670 tỉ đồng, chiếm 47,2% tổng số thu của khối doanh nghiệp. Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp khối doanh nghiệp hơn 8,7 triệu người, trong đó số lao động thuộc doanh nghiệp FDI là 3,7 triệu người.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc cơ quan BHXH Việt Nam, hiện số tiền mà các doanh nghiệp FDI nợ BHXH tương đối lớn. Tính đến hết năm 2016, tổng số nợ bảo hiểm xã hội của khối doanh nghiệp FDI lên đến 1.241 tỉ đồng, chiếm 3,9% tổng số phải thu của các doanh nghiệp cùng khối FDI.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH, trong đó chủ yếu do một số doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải giải thể, ngừng hoạt động. Song vẫn còn một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng vốn từ khoản thu BHXH của người lao động đầu tư vào mục đích khác, thiếu hợp tác tích cực với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động, đặc biệt còn có chủ doanh nghiệp bỏ trốn khỏi Việt Nam… Những hạn chế này làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện chính sách BHXH, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Trước tình hình đó, để bảo tồn ngân quỹ, không bị vỡ quỹ, vào đầu năm 2017, BHXH Việt Nam đã ra nghị quyết hội đồng quản lý, thống nhất thông qua phương án đầu tư quỹ năm 2017, với ưu tiên đầu tư mua trái phiếu Chính phủ. Trong đó, đảm bảo tỷ trọng dư nợ đầu tư vào hai hình thức mua trái phiếu Chính phủ và cho ngân sách nhà nước vay chiếm khoảng 85% trên tổng số dư nợ đầu tư vào các hình thức tính đến cuối năm 2017.

Đối với số tiền tạm thời nhàn rỗi còn lại, BHXH Việt Nam chủ động sử dụng đầu tư vào các hình thức khác theo quy định tại Nghị định 30/2016/NĐ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Việc đầu tư theo hình thức gửi tiền có thời hạn, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi được thực hiện tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt, hoạt động lành mạnh theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hiện nay quỹ đang đầu tư với lãi suất cao hơn ngân hàng (năm 2016 lãi suất quỹ bảo hiểm xã hội bình quân là 7,8%). Sắp tới, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị chọn một số công trình trọng điểm quốc gia có lợi nhuận cao để đầu tư quỹ hiệu quả cao hơn.

http://www.thesaigontimes.vn/161549/BHXH-tim-cach-dau-tu-hieu-qua-hon.html