Bill Gross: Rủi ro trên thị trường Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008

Bill Gross: Rủi ro trên thị trường Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008

Chuyên gia trái phiếu tin rằng lợi suất trái phiếu đang quá thấp, trong khi giá cổ phiếu lại quá cao

Khi cổ phiếu tiếp tục hành trình không thể lay chuyển lên các mức kỷ lục mới thì một nhà đầu tư xuất chúng đã lên tiếng cảnh báo về một kết thúc đầy bi thảm đối với chuỗi tăng “nóng” của thị trường, MarketWatch đưa tin.

Hôm thứ Tư, Bill Gross, nhà quản lý danh mục của Janus Global Unconstrained Bond Fund, đã lên tiếng cảnh báo rằng thị trường tài chính đang ở tình trạng dễ bị tổn thương nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nhà đầu tư đang phải trả giá quá cao khi xét trên những rủi ro mà họ đang gánh chịu.

Nhà đầu tư trái phiếu nổi tiếng Bill Gross

“Thay vì mua thấp và bán cao, bạn lại mua cao và chờ đợi may mắn sẽ đến”, chuyên gia trái phiếu phát biểu tại hội nghị Bloomberg Invest New York.

Ông cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức của các Ngân hàng Trung ương đã làm giá tài sản lên mức quá cao khi không có tăng trưởng kinh tế đáng kể.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Bloomberg TV, ông Bill Gross cho hay dòng tiền hiện đang được bơm vào hệ thống và lượng tiền đó đang tìm tới một nơi trú ẩn, không chỉ là trái phiếu (vốn đang có lợi suất quá thấp) mà còn là cổ phiếu (vốn có giá quá cao).

Huyền thoại đầu tư trái phiếu đã liên tục chỉ trích các nhà lãnh đạo Ngân hàng Trung ương vì đã bơm vào thị trường các khoản vay có lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong vài năm gần đây, ông Gross liên tục lặp lại rằng sẽ xảy ra khủng hoảng tài chính. Cụ thể, ông dự báo việc nới lỏng quá mức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương ở các khu vực khác rồi sẽ tác động lên cổ phiếu và trái phiếu.

Thế nhưng, lời tiên tri của ông về một sự sụp đổ của thị trường dường như vẫn chưa thể lay chuyển nhà đầu tư, khi cổ phiếu tiếp tục leo dốc lên các mức kỷ lục mới, trong khi trái phiếu – vốn giảm sút khi nhà đầu tư cảm thấy lạc quan về cổ phiếu – lại cho thấy một vài dấu hiệu của thị trường con gấu.

Tuy nhiên, không chỉ có ông Gross đưa ra lời cảnh báo. Trước đó, Marc Faber, nổi tiếng với biệt danh Dr. Doom vì những dự báo bi quan, cũng đưa ra viễn cảnh tương tự. Ông Marc Faber cho rằng thị trường Mỹ đang mắc kẹt trong tình trạng bong bóng khổng lồ.

“Xuất hiện bong bóng ở mọi loại tài sản. Không có tài sản nào có mức giá quá thấp cả”, ông Faber cho hay.

Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tục leo lên các kỷ lục mới nhờ vào sự lạc quan về các chính sách thân thiện với doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dưới thời của Donald Trump. Giá trái phiếu cũng tăng cao, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm lại chạm các mức thấp nhất trong năm 2017.

Với việc chứng khoán Mỹ liên tục leo dốc, nhiều người tỏ ra lo sợ liệu đà tăng của thị trường này có kéo dài hay không. Thậm chí, một số người còn cho rằng có sự tương đồng giữa thị trường hiện nay và thị trường trong năm 1987 hoặc 2008. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều chuyên gia khác tin rằng lần này, mọi thứ sẽ khác.

Ryan Detrick, Chuyên gia thị trường cấp cao tại LPL Financial, cho rằng không có sự tương đồng nào giữa thị trường năm 2017 và năm 1987 cả.

“Chứng khoán đã tăng gần 40% tính từ đầu năm 1987 cho tới đầu tháng 9/1987. Đó là một chuỗi tăng kéo dài và mỏng manh. Còn hiện nay S&P 500 đang trong thị trường con bò, nhưng trong vòng 2 năm rưỡi qua thì chẳng có gì bất thường cả”.

Như ông đã chỉ rõ, S&P 500 tăng vọt gần 100% trong giai đoạn 1985-1987. Còn trong giai đoạn 2015-2017, chỉ số S&P 500 chỉ tăng khoảng 20%./.