Dầu giảm liền 4 tuần, chuỗi lao dốc dài nhất trong gần 2 năm

Dầu giảm liền 4 tuần, chuỗi lao dốc dài nhất trong gần 2 năm

Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhẹ trong ngày thứ Sáu sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Dẫu vậy, dầu vẫn chứng kiến 4 tuần lao dốc liên tiếp - chuỗi sụt giảm dài nhất trong gần 2 năm, MarketWatch đưa tin.

Dữ liệu hồi đầu tuần cho thấy đà leo dốc của sản lượng dầu tại Mỹ cùng nhu cầu xăng suy yếu tại nước này đã làm dấy lên lo ngại rằng thị trường năng lượng toàn cầu tiếp tục trong tình trạng dư cung, qua đó gây sức ép lên giá dầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tiến 28 xu (tương đương 0.6%) lên 44.74 USD/thùng, nhưng vẫn sụt 2.4% trong tuần qua.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn London cộng 45 xu (tương đương 1%) lên 47.37 USD/thùng. Dù vậy, tuần qua, hợp đồng này vẫn giảm 1.6%. Cả 2 hợp đồng đều ghi nhận tuần lao dốc thứ 4 liên tiếp, đồng thời là chuỗi sụt giảm dài nhất kể từ tháng 8/2015.

Hôm thứ Năm, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) khởi sắc sau quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) như kỳ vọng. Tuy nhiên, chỉ số này đã lùi bước trong ngày thứ Sáu. Biến động của đồng USD có thể tác động đến các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, như dầu.

Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 6 giàn lên 747 giàn, qua đó cho thấy đà leo dốc của sản lượng nội địa.

Hồi đầu tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra dự báo cho rằng đà leo dốc của sản lượng dầu tại Mỹ sẽ giữ thị trường tiếp tục tình trạng dư cung trong một thời gian nữa.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 7 tiến 1.9 xu (tương đương 1.3%) lên 1.455 USD/gallon, nhưng vẫn lao dốc 3.1% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 7 cộng 1.2 xu (tương đương 0.9%) lên 1.427 USD/gallon. Tuần qua, hợp đồng này đã hạ 0.3%.

Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 lùi 1.9 xu (tương đương 0.6%) lên 3.037 USD/MMBtu, đồng thời ghi nhận mức giảm 0.1% trong tuần qua./.