Đồng bảng Anh giảm mạnh trước sự khó lường về kết quả bầu cử Anh

Đồng bảng Anh giảm mạnh trước sự khó lường về kết quả bầu cử Anh

Một cuộc thăm dò exit poll cho thấy Thủ tướng Anh Theresa May có thể không giành được đa số ghế trong Quốc hội Anh sau cuộc bỏ phiếu trong ngày thứ Năm, qua đó đẩy đồng bảng Anh giảm mạnh so với đồng USD, CNNMoney cho hay.

Đồng bảng Anh (GBP) sụt khoảng 1.6% xuống gần mức 1.27 USD ngay sau khi có kết quả dự đoán, vốn đã được công bố khi việc bỏ phiếu chấm dứt vào lúc 17h (giờ ET). Đồng thời, đồng GBP còn giảm so với đồng euro.

Nếu kết quả từ exit poll – tức là thăm dò trước khi vào phòng bỏ phiếu – đúng với kết quả thực tế, thì điều này sẽ làm dấy lên nghi vấn lớn về việc liệu bà May có còn là nhà lãnh đạo nước Anh hay không và liệu bà có thể dẫn dắt quốc gia này trong các cuộc đàm phán quan trọng về Brexit hay không. Được biết, các cuộc đàm phán về Brexit sẽ bắt đầu vào ngày 19/06/2017.

* Bầu cử Anh: Kịch bản nào dành cho chứng khoán toàn cầu?

“Sẽ có các cuộc thăm dò khác, và kết quả sẽ xuất hiện trong đêm nay (08/06), nhưng có khả năng là bà Theresa May sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát tiến trình Brexit”, Kit Juckes, Chiến lược gia tại Societe Generale, cho biết. “Không thể nhận thấy có cách nào tác động tích cực đến đồng bảng Anh ngay cả khi chúng ta đã chuẩn bị phần nào cho một kết quả sát sao giữa 2 Đảng”.

Đồng GBP biến động mạnh khi các kết quả đầu tiên xuất hiện, lao dốc mạnh nhất là 2% xuống dưới mức 1.27 USD trước khi hồi phục lại phần nào.

Tính tới lúc 22h30 (giờ ET), đồng bảng Anh đã giảm 1.44% và dao động ở mức 1.2765 USD.

Nếu không có Đảng nào nắm đa số ghế thì sẽ tạo ra một “Quốc hội đầy chia rẽ”. Điều này có thể đẩy quốc gia này rơi vào thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài, hoặc thậm chí có thể dẫn tới một cuộc bầu cử khác.

“Nhìn chung, các thị trường tài chính và lĩnh vực tư nhân có lẽ muốn Đảng Bảo thủ chiếm đa số ghế hơn là Công Đảng… và họ chắc chắn thích sự ổn định hơn là bất ổn”, Tony Travers, Giám đốc của Viện Công Vụ tại Trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics), cho hay.

“Điều mà kết quả này cho thấy (nếu đúng) là sẽ có một vài sự bất ổn và sẽ khó cho Chính phủ Anh đàm phán về Brexit”.

Bên cạnh việc đối phó với Brexit – được xem là thử thách lớn nhất mà quốc gia này phải đối mặt kể từ Thế Chiến thứ 2 – Chính phủ mới phải giải quyết vấn đề hóc búa về tăng trưởng của Anh.

Và mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức rất thấp nhưng quốc gia này đang đối mặt với tăng trưởng tiền lương thấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tiền lương giảm sút trong quý 1/2017 sau khi xét đến lạm phát.

Tiền lương thực của người Anh đã rơi vào tình trạng trì trệ trong gần 1 thập kỷ qua. Theo Viện Nghiên cứu Tài khóa (IFS), thu nhập bình quân vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức trong năm 2008, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra./.