Thị trường đi về đâu: 700 hay 800 điểm?

Thị trường đi về đâu: 700 hay 800 điểm?

Phân tích các Trading System để xác định xu hướng, dự báo các điểm đảo chiều tiềm năng và các kịch bản có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

I. Phân tích các tín hiệu

Đánh giá chung: Xu hướng tăng đang chững lại và thường xuyên xuất hiện những phiên rung lắc rất mạnh do các tín hiệu đảo ngược xu hướng ngắn hạn đã xuất hiện.

Phân tích chi tiết:

ADX liên tục duy trì dưới ngưỡng 25 và chưa ngưng lại đà lao dốc. Điều này cho thấy sức mạnh xu hướng đang rất yếu.

Mặt khác, hai đường +DI và -DI đã cho tín hiệu bán và phân cực mạnh nên khó có thể xuất hiện tín hiệu mua trở lại trong ngắn hạn.

Hai đường Swing Trd 2 và Swing Trd 3 cho tín hiệu bán trở lại từ đầu tháng 07/2017 nên khả năng có rung lắc tăng lên. Tuy nhiên, RMO Bullish vẫn được duy trì nên xu hướng tăng trưởng dài hạn chưa bị đảo ngược.

II. Kịch bản thị trường và chiến lược đầu tư

Kịch bản 1: Trượt ngang và giằng co mạnh trong nhiều tháng

Xác suất xảy ra kịch bản này là 65%.

Cận trên của kênh giá trung hạn (tương đương vùng 785-795 điểm). Mặt khác, khối lượng không có nhiều đột biến nên khả năng có bứt phá mạnh và bùng nổ là không nhiều.

Kịch bản khả thi nhất hiện nay là tình trạng giằng co mạnh trong phiên, tăng giảm mạnh xen kẽ và kéo dài sẽ xuất hiện. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài đến tận tháng 09/2017 nếu thị trường không có thêm tin tức hỗ trợ bất ngờ nào nữa.

Vùng hỗ trợ mạnh là cận dưới kênh giá trung hạn (vùng 750-765 điểm). Mục tiêu giá của kịch bản này là VN-Index trượt ngang và sau đó tăng nhẹ dần dần lên vùng 790-800 điểm.

Đây sẽ là kịch bản rất thích hợp cho những nhà đầu tư lướt sóng và mua bán đảo hàng liên tục trong phiên (scalping) vì giá các cổ phiếu hầu như sẽ đi ngang và dao động, giằng co nhiều. Cách làm này cũng sẽ hữu ích cho những nhà đầu tư nào đã lỡ ”kẹp hàng” ở mức giá cao muốn trading thêm chính cổ phiếu bị kẹp để hạ giá vốn xuống.

Kịch bản 2: Xuyên thủng hỗ trợ và về lại mốc 700 điểm

Xác suất xảy ra kịch bản này là 35%.

Nếu khối lượng giao dịch đi xuống mạnh và MACD rơi xuống dưới ngưỡng 0 trong thời gian tới thì rủi ro sẽ tăng lên đáng kể.

Chỉ trong vòng 2 tuần mà vùng hỗ trợ 750-765 điểm đã được test lại đến 4 lần. Thông thường thì khi test lại một vùng hỗ trợ nhiều lần mà giá vẫn không tăng mạnh trở lại thì nguy cơ phá vỡ sẽ tăng dần lên trong trường hợp thanh khoản yếu đi.

Vì vậy, nếu vùng 750-765 điểm bị phá vỡ thì việc mua bắt đáy ngắn hạn sẽ khá nguy hiểm vì khi đó mục tiêu sẽ là mức 700 điểm (tương ứng Fibonacci Retracement 61.8%).