Bảo lãnh dự án: Cần cắt đứt chuyện chủ đầu tư vơ đũa hai tay!

Bảo lãnh dự án: Cần cắt đứt chuyện chủ đầu tư vơ đũa hai tay!

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đưa ra khi phản bác ý kiến cho rằng bảo lãnh ngân hàng cho dự án bất động sản hình thành trong tương lai là hợp lý, tại hội thảo "Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018" diễn ra vào sáng ngày 08/12/2017.

Hội thảo "Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018" diễn ra vào sáng ngày 08/12/2017.

Theo ông Hiếu, bảo lãnh tức ngân hàng cho chủ đầu tư bất động sản vay vốn để xây dựng dự án, chiều ngược lại có người mua nhà cũng đưa tiền cho chủ đầu tư. Như vậy, chủ đầu tư đang vơ đũa cả hai tay, tay trái lấy tiền của người dân, tay phải vay tiền ngân hàng; và trong một xã hội không hoàn hảo thì điều này dẫn đến một rủi ro rất lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Kinh tế.

Tôi ở trong hệ thống ngân hàng nhưng không nắm được thông tin hiện tại có bao nhiêu tiền đang được bảo lãnh cho nhà ở hình thành trong tương lai, cũng chẳng biết rằng trong các bảo lãnh đó có sự tranh chấp nào không?”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Xét ở góc độ khác, điều này còn tác động tiêu cực đến người mua nhà. Bởi, khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp có quyền thế chấp tài sản, ngược lại ngân hàng có quyền không giải chấp cho đến khi nhận đủ tiền của doanh nghiệp. Rủi ro của người dân là khi ngân hàng chưa nhận được tiền của chủ đầu tư, ngân hàng sẽ không giải chấp và chủ đầu tư không thể giao nhà cho người dân.

Do đó, ông Hiếu kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét lại việc bảo lãnh của ngân hàng thương mại cho nhà ở hình thành trong tương lai. “Mặc dù Thông tư 07/2015 quy định về bảo lãnh ngân hàng đã thực hiện được hơn 2 năm, nhưng cho đến nay vẫn còn tin tức người dân không có sổ đỏ mặc dù đã đóng đủ tiền, thậm chí có dự án người dân còn không có nhà, thì việc bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện ra sao?”, ông Hiếu phân trần.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng.

Về phía đại diện đến từ cơ quan Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng mặc dù chưa có thống kê cụ thể về việc này, nhưng rủi ro trong hoạt động mua bán của người mua đã giảm đi rất nhiều. Bởi ngân hàng cùng chủ đầu tư có mục tiêu chung là nhanh chóng đưa sản phẩm bất động sản ra thị trường, và việc nhận bảo lãnh buộc chủ đầu tư có ý thức trách nhiệm hơn với người tiêu dùng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết đúng là kẽ hở trên thị trường vẫn nhiều, hoạt động quản lý môi giới bất động sản chưa tốt, nhưng hiện nay NHNN đã có thông tư mới về bảo lãnh. Người mua nhà hình thành trong tương lai sẽ nhận được thông báo trực tiếp của ngân hàng về bảo lãnh, nên hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản sẽ được quản lý chặt hơn, quyền lợi người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Và việc bảo lãnh cho nhà ở hình thành trong tương lai chỉ là một khoản lợi nhuận gia tăng nhỏ cho ngân hàng. Bởi trước đó, ngân hàng đã đồng hành với doanh nghiệp khi cho doanh nghiệp vay vốn, giờ khi đứng ra bảo lãnh sẽ được hưởng thêm phí bảo lãnh tối đa 2%. Cho nên, vấn đề bảo lãnh cho nhà ở hình thành trong tương lai theo ông Châu là hợp tình hợp lý.

Vay mua nhà chiếm hơn nửa tổng dư nợ tiêu dùng!

Một vấn đề nóng khác được đưa ra bàn luận tại hội thảo chính là việc sử dụng sai mục đích vay vốn, trong đó vay để mua nhà thâm dụng vốn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA).

Theo thống kê 11 tháng đầu năm, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đạt 15% tổng dư nợ ngân hàng. Và con số này đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng đạt 58%. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hơn nửa số tín dụng được cấp cho vay tiêu dùng (tương đương 52%) lại được sử dụng để vay mua, sửa, thuê nhà.

Theo ông Hiếu thì điều này cũng không quá xa lạ bởi cho vay bất động sản là khoản "ngon" nhất trong ngân hàng, khi mà tài sản thế chấp lớn, lượng giải ngân cũng lớn. Như vậy, tiền đang đổ vào bất động sản quá lớn, điều này là một vấn đề đáng lo ngại nữa.

Song, phía ông Châu lại cho rằng điều này không quá rủi ro cho thị trường. Bởi, việc kiểm soát mục đích cho vay đã có ngân hàng đảm bảo, và mới đây nghị quyết xử lý nợ xấu cũng đã được thông qua. Do đó, việc vay mua nhà chiếm hơn nửa tổng dư nợ tiêu dùng thật sự không đáng lo ngại.

Bitcoin sẽ len lỏi vào giao dịch bất động sản tại Việt Nam?

Quý 1/2018 sẽ trình ý kiến bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực BĐS

Hiếu Nguyễn

FiLi