Những bước chuyển mình của ngành hàng không Việt Nam

Những bước chuyển mình của ngành hàng không Việt Nam

Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 15%/năm như trong suốt hơn một thập kỷ  vừa qua, hàng không Việt Nam sẽ sớm chạm mục tiêu đứng thứ 4 Asean về sản lượng vận chuyển hành khách.

Thời gian ngắn, bước đi dài

Lịch sử của ngành hàng không dân dụng Việt Nam bắt đầu từ tháng 1/1956. Tuy nhiên, hàng không dân dụng chỉ thực sự trở thành một ngành kinh tế, có tính chất thị trường sau khi Chính phủ quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, UPCoM: HVN) trên cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp ngành hàng không dân dụng.

Trong 22 năm qua, chính sách tự do hóa vận tải theo lộ trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường vận tải hàng không Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), giai đoạn 2010-2016, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình là 14.9% về hành khách và 10.7% về hàng hoá. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đã đạt 71,75 triệu lượt khách, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (17.9%); hàng hóa đạt 833,000 tấn, tăng 34.6% so với so với cùng kỳ năm 2016.

Việc ưu tiên phát triển đội tàu bay sở hữu đã tạo tiền đề cơ bản cho sự tăng trưởng, nâng cao vị thế của hàng không Việt Nam. Đội tàu bay được phát triển đúng hướng, đi thẳng vào công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đồng bộ. Tính đến hết tháng 9/2017, cả nước hiện có 157 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam, tăng 17 chiếc so với cùng kỳ năm 2016.

Với sự khai thác của 52 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam, về cơ bản dịch vụ hàng không đã gắn kết các thủ đô, trung tâm hàng không lớn, các điểm du lịch, các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới đến Việt Nam, đồng thời phủ kín các vùng miền của đất nước.  

Trải qua hơn 2 thập kỷ phát triển mạnh mẽ, từ chỗ là ngành vận tải nhỏ bé với chỉ một hãng hàng không hoạt động, chuyên chở khoảng 2,2 triệu lượt khách hàng, hàng không Việt Nam hiện được xếp vào nhóm 7 thị trường có tốc độ phát triển "nóng" nhất trong giai đoạn 2014-2017, đảm nhận lượng chuyên chở lên tới 60.5 triệu lượt khách.

Để nâng cao vị thế, vai trò của ngành hàng không, hiện Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển  GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam sẽ đạt 60 triệu hành khách, 408 nghìn tấn hàng hóa vào năm 2020 và 152 triệu hành khách, 1.4 triệu tấn hàng hóa vào năm 2030; vươn lên đứng thứ 4 Asean, sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia và đứng trên Singapore, Philippines.

Vị thế dẫn đầu

Từng là cánh bay chủ lực  cho ngành hàng không, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục duy trì vị thế là hãng hàng không quốc gia, có sứ mạng nâng tầm ngành hàng không Việt để cạnh tranh với những đối thủ mạnh trên thị trường châu Á nói chung và toàn cầu nói riêng.

Thực tế, những cột mốc phát triển mạnh mẽ nhất của ngành hàng không Việt Nam đều có dấu ấn của Vietnam Airlines.

Trong 22 năm qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình năm luôn đạt mức hai con số, Vietnam Airlines đã không ngừng lớn mạnh và vươn lên trở thành một hãng hàng không có uy tín trong khu vực nhờ thế mạnh về đội bay hiện đại, mạng đường bay rộng khắp và lịch nối chuyến thuận lợi, đặc biệt là tại Đông Dương.

Tính đến tháng 12/2017, đội bay gồm 93 chiếc với 2 dòng máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 của Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 1.6 triệu chuyến bay an toàn, với tổng số quãng đường bay thực hiện đạt gần 1 tỷ km. Mạng đường bay của hãng cũng đã được mở rộng lên 90 điểm, gồm 38 điểm nội địa và 52 điểm quốc tế.

Nếu không có gì thay đổi, vào đầu tháng 12/2017, Vietnam Airlines sẽ đón vị khách thứ 200 triệu trong chặng đường 22 năm phát triển của mình.

Đây là minh chứng rõ nét nhất, khẳng định việc Vietnam Airlines đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Hãng hàng không quốc gia, là cầu nối hiệu quả giữa các vùng miền trong cả nước và giữa Việt Nam với thế giới.

Bên cạnh đó, trong 22 năm qua, Vietnam Airlines cũng là một trong các hãng hàng không hiếm hoi trên thế giới chưa  ghi nhận thua lỗ dù hàng không thế giới chứng kiến nhiều cơn biến động lớn. Trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi cổ phần hóa, các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines đều vượt kế hoạch ở mức cao. Năm 2016, lợi nhuận hợp nhất của Tổng công ty đạt hơn 2,600 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt hơn 1,700 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2017 cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu hợp nhất đạt gần 70,000 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất của Tổng công ty hơn 2,750 tỷ đổng.

“Nhà nước đang có chính sách tạo nhiều không gian phát triển cho Vietnam Airlines để có thể tập trung hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng và công tác quản lý chung. Chúng tôi được chỉ đạo rất rõ ràng với mục tiêu là giảm sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty xuống còn 51% vào năm 2020”, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.

QC

FiLi