Góc nhìn 22-26/01: Đà tăng gặp khó?

Góc nhìn 22-26/01: Đà tăng gặp khó?

Các CTCK có góc nhìn thận trọng về xu hướng thị trường trong tuần giao dịch tới khi nhà đầu tư có thể gia tăng chốt lời. Hơn nữa, sau những phiên tăng nóng, thị trường có thể sẽ cân bằng trở lại.

Đà tăng gặp khó

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Đà tăng trên các chỉ số thị trường vẫn được duy trì nhưng mức tăng đã bị thu hẹp lại trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Theo đó, VN-Index và HNX-Index tiếp tục có tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp; chỉ số VN-Index đã kết tuần ở trên ngưỡng tâm lý 1,060 điểm, HNX-Index cũng kết tuần trên ngưỡng 122 điểm. Thanh khoản trong tuần tuy sụt giảm nhưng vẫn ở mức cao với gần 9,500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Điều này cho thấy sức mạnh của dòng tiền vào thời điểm hiện tại và sự tham gia tích cực của nhà đầu tư vào thị trường. Tuy nhiên, áp lực chốt lời trên vùng giá cao có dấu hiệu gia tăng cũng như sự phân hóa khá mạnh mẽ của các nhóm ngành cổ phiếu nên đà tăng này có thể gặp khó khăn trong tuần tới.

Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (22/1-26/1), đà tăng của VN-Index có thể gặp khó khăn trước áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu trụ cột và chỉ số có thể sẽ dao động giằng co và đi ngang trong biên độ 1,050-1,070 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và tích cực quan sát thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.

Sẽ ở trạng thái cân bằng hơn

CTCK Bảo Việt (BVS): Sau tuần biến động mạnh, thị trường có thể sẽ ở trạng thái cân bằng hơn trong các phiên đầu tuần tới. Thêm vào đó, cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ kiểm tra nguồn cung một lần nữa khi khối lượng cổ phiếu bắt đáy với mức lợi nhuận tốt về tài khoản của nhà đầu tư.

Nhanh chóng vượt qua đỉnh cũ

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Tổng giá trị giao dịch được đẩy lên mức hơn 10 nghìn tỷ, cao nhất trong lịch sử sẽ là điểm tựa tâm lý vững chắc cho các nhà đầu tư. BSI nhận định thị trường sẽ nhanh chóng vượt qua đỉnh cũ với sự đóng góp lớn từ các cổ phiếu nằm trong nhóm VN30 và nhóm dự bị.

Nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục phù hợp thị trường và tập trung nhiều tại các ngành thu hút dòng tiền mạnh như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực.

Sẽ tiếp tục rung lắc

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Mặc dù những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ dự thảo quyết định 87/QĐ-UBCK đã qua đi, thị trường đã khôi phục lại vị thế tăng sẵn có tuy nhiên FPTS cho rằng tâm lý nhà đầu tư trên thị trường sẽ vẫn còn phần nào đó sự thận trọng cho giai đoạn xu hướng của 1-2 tuần kế tiếp.

Thực tế là thị trường vẫn đang được đánh giá là có xu hướng tăng nóng và hưng phấn ngắn hạn, việc chỉ số liên tiếp tạo lập mức cao mới mà không trải qua các nhịp hiệu chỉnh tích lũy cũng khiến cho các phản ứng với thông tin trở nên nhạy cảm hơn.

Mặt khác, trước khi có thông tin tiếp theo về tỷ lệ margin thì khả năng cao các cổ phiếu đang có tỷ lệ ký quỹ thấp - thường là các mã trụ cột, đầu ngành sẽ vẫn có tác động hạn chế nhất định để dự phòng rủi ro.

Theo đó, FPTS cũng đánh giá cơ hội lợi nhuận sẽ khó khăn hơn với các vị thế ngắn hạn. Nhà đầu tư nên thận trọng với các cổ phiếu đã thu hút sự chú ý của dòng tiền trong giai đoạn tăng vừa qua, xem xét tận dụng nhịp hồi phục để giảm bớt lượng cổ phiếu rủi ro cao trong danh mục.

Sẽ vượt mốc 1,065

CTCK Bản Việt (VCI): Hiện tại tín hiệu ngắn hạn của tất cả các chỉ số chứng khoán đều đang ở mức tích cực. Ngưỡng hỗ trợ MA5 và MA10 ngày của chỉ số VN-Index đang nằm tại khu vực 1,048-1,054 điểm trong khi kháng cự đỉnh cũ nằm tại 1,065 điểm.

Nhiều khả năng chỉ số sàn HOSE sẽ có xu hướng giảm trong những phiên đầu tuần do lượng cổ phiếu giá thấp về tài khoản nhà đầu tư, qua đó sẽ kiểm định khu vực hỗ trợ phía dưới.

Kịch bản tích cực là nếu lực bán ra này không mạnh và các ngưỡng hỗ trợ được bảo toàn, VN-Index sẽ có cơ hội vượt mốc 1,065 điểm để tiến lên vùng cản mới quanh 1,085 điểm. Tuy vậy, thị trường hiện tại vẫn đang khá nhạy cảm về mặt kỹ thuật.

Phương Châu

FiLi