ĐHĐCĐ Vinamilk: Mục tiêu mỗi năm tăng thị phần thêm 1%, trong 5 năm tới chiếm trên 60%

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ Vinamilk: Mục tiêu mỗi năm tăng thị phần thêm 1%, trong 5 năm tới chiếm trên 60%

Sáng 31/03, tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM), nhiều cổ đông khá thắc mắc về chiến lược trong thời gian tới của Công ty, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng hiện nay khá chậm và định hướng cho thị trường xuất khẩu như thế nào...

Kế hoạch 2018 lãi ròng 10,752 tỷ đồng

Theo kế hoạch, VNM đặt mục tiêu năm 2018 với doanh thu 55,500 tỷ đồng, tăng 8.5% so với thực hiện năm 2017. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 12,800 tỷ đồng và 10,752 tỷ đồng, cùng tăng khoảng gần 5% so năm 2017. Mức cổ tức được đề xuất là tối thiểu 50% bằng tiền mặt và dự kiến tạm ứng đợt 1/2018 vào quý 3/2018 và đợt 2 vào tháng 5-6/2019.

 

Mức cổ tức năm 2017 được thông qua tối thiểu là 50% bằng tiền mặt và đã được VNM tạm ứng 20% hồi tháng 8/2017, tiếp đó là 15% vào cuối tháng 3/2018 này; còn lại 15% sẽ được chi trả vào tháng 6/2018.

ĐHĐCĐ thường niên Công ty Vinamilk năm 2017 diễn ra ngày 31/03/2018

Jardine Matheson đưa người vào HĐQT

VNM cũng cho biết, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển kế tiếp, HĐQT trình cổ đông phê duyệt nâng tổng số thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 từ 9 thành viên lên con số 11.

Theo đó, người trúng vào HĐQT 2017-2021 gồm ông Alain Xavier Cany (sinh năm 1949, tại Pháp), đang là Trưởng đại diện - Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson Limited (Việt Nam). Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch Hội đồng Tín thác Saigon Children's Charity CIO, Thành viên HĐQT Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV TM-ĐT Liên Á Châu.

Và ông Nguyễn Chí Thành (sinh năm 1972) hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc SCIC, thay ông Nguyễn Hồng Hiển. Ông Thành hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang (DHG), Phó Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong (NTP), Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam.

Ngoài 2 ứng viên trên, hiện HĐQT của VNM gồm:

  • Bà Lê Thị Băng Tâm (Chủ tịch)
  • Bà Mai Kiều Liên (Tổng Giám đốc)
  • Ông Nguyễn Bá Dương (Thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch CTD)
  • Ông Michael Chye Hin Fah (Phó Chủ tịch Thai Beverage)
  • Bà Đặng Thị Thu Hà (Phó Trưởng Ban Đầu tư 3 SCIC
  • Ông Đỗ Lê Hùng (Thành viên HĐQT độc lập)
  • Ông Lê Thành Liêm (Giám đốc Điều hành Tài chính kiêm Kế toán trưởng)
  • Ông Lee Meng Tat (Giám đốc điều hành ngàng nước giải khát không cồn Fraser & Neave).

Thù lao HĐQT trong năm 2017 là 20 tỷ đồng cho 9 thành viên, còn con số cho năm 2018 là 25 tỷ đồng tính theo số lượng 11 thành viên.

Ngoài ra, VNM cũng dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5:1, tức tối đa không quá hơn 290 triệu cp. Sau khi phát hành, dự kiến vốn điều lệ của VNM sẽ tăng thêm tối đa 2,902.9 tỷ đồng, tức lên hơn 17,400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý 3/2018.

Hệ thống công ty con và liên kết của VNM

Thảo luận

Mục tiêu 5 năm tới thị phần chiếm trên 60%

Kế hoạch 5 năm tới của VNM thị phần bao nhiêu, đặc biệt là sản phẩm phi truyền thống để duy trì mức tăng trưởng như thế này?

Thị phần hiện tại của VNM là 58%, kế hoạch 5 năm tới mỗi năm tăng 1% thị phần, riêng trong năm 2017 tăng 2% nghĩa là đã vượt gấp đôi. Như vậy mục tiêu 5 năm sẽ tăng trên 60% thị phần.

Các sản phẩm  trong mục tiêu tăng trưởng của VNM gồm nhóm hàng sữa bột dinh dưỡng trẻ em, sữa tươi, sữa chua… đều tăng trưởng như dự kiến. Đối với các sản phẩm phi truyền thống như sữa đậu nành hạt óc chó, nước giải khát… đang tiến hành theo kế hoạch 5 năm tới.

VNM hiện đang có mức tăng trưởng quá chậm so với các đối thủ khác, ví dụ như Hòa Phát có mức tăng trưởng cao, liệu VNM có đang “ngủ quên trên chiến thắng?”

Trong nội bộ VNM cũng đang đặt vấn đề này, tuy nhiên cũng phải dựa trên cung cầu. Tăng trưởng của VNM có khi nhanh hơn Hòa Phát, nhưng hiện tại do bất động sản đang tăng trưởng nên HPG cũng tăng trưởng theo. Hiện tốc độ tăng trưởng ngành sữa chỉ khoảng 5-7%. Còn doanh nghiệp nào muốn lấy thị phần thì phải có mức tăng trưởng trên 7% và VNM đang đặt mục tiêu này để lấy thị phần.

Sự phát triển nhanh hay chậm của mỗi doanh nghiệp là kế hoạch dài hạn và cũng không thể so sánh giữa tiêu dùng và bất động sản. Ngành sữa vẫn còn cơ hội cho 5 và 10 năm tới.

Kế hoạch kinh doanh năm 2018 của VNM có vẻ tăng trưởng thấp, vì sao?

Con số kế hoạch đưa ra cho năm 2018 là số tối thiểu. Bởi có phần VNM không chủ động được và chưa đủ tự tin là phần xuất khẩu, trong năm 2017 cũng như quý 1 năm nay vẫn giảm, trong khi kế hoạch tăng 8%.

Năm 2018 tập trung đầu tư nguyên liệu cho sảm phẩm Organic

Kế hoạch cho dòng sữa Organic như thế nào trong khi năm ngoái có nói về kế hoạch tăng trưởng và năm nay vẫn chưa thấy kế hoạch gì mới?

Dòng sản phẩm Organic hiện tại nguyên liệu không đủ hàng để bán. Vì vậy chiến lược của VNM trong năm nay sẽ phát triển nguyên liệu cho dòng sản phẩm này tại các trang trại. Cụ thể là trang trại 2,000 con tại Thanh Hóa; Đà Lạt cũng sẽ mở rộng tại Di Linh (tăng đàn và nhập từ Úc) để tăng sản lượng; tại Cần Thơ kết hợp Nông trường Sông Hậu phục vụ cho miền Tây; miền Trung sẽ tìm đất trong hoặc ngoài nước sát Việt Nam để phát triển, hiện tại có đối tác Nhật xây dựng trang trại tại Lào (sát Nghệ An), theo đó tháng 4 này VNM sẽ mua nguyên liệu từ đơn vị này nhập về Nghệ An để sản xuất. Và mục tiêu trong 1-2 năm tới lượng sữa sẽ đáp ứng được cho sản phẩm Organic.

Kết quả kinh doanh quý 1/2018 như thế nào? Kế hoạch hợp tác với Dược Hậu Giang như thế nào?

Quý 1 là mùa thấp điểm do vừa trúng vào mùa Tết và mùa lạnh, còn cao nhất là quý 2 và quý 3. Hiện VNM chưa có kết quả quý 1, nhưng VNM đã đưa ra kế hoạch sẽ cam kết đạt và vượt.

Còn việc phối hợp với Dược Hậu Giang là cho ra sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng…

Chi phí thù lao HĐQT của VNM tới 25 tỷ đồng dựa trên tiêu chí nào?

Chi phí này dựa trên cơ sở tính chi phí thù lao cho từng thành viên và dựa vào năm 2017. Bởi năm 2017 chuyển cơ chế HĐQT nên trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ cũng cao hơn.

Kế hoạch 2018 dự kiến giá bán và giá nguyên liệu thay đổi như thế nào so năm 2017? Nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu có ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu?

VNM có khách hàng xuất khẩu truyền thống và khách hàng mới để phát triển. Còn nguy cơ chiến tranh thương mại thì hiện sản phẩm sữa của Việt Nam không được bảo hộ, nên nếu có nguy cơ chiến tranh thương mại thì VNM vẫn cạnh tranh và đứng vững được trong thị trường nội địa.

Sản lượng công ty đường đáp ứng bao nhiêu % cho VNM và liệu giá bán có ảnh hưởng?

Ngành nông nghiệp hiện nay cung nhiều hơn cầu, nhưng tùy từng thời điểm. Vì thế ngành đường mỗi năm không giống nhau và tương lai cũng như thế. VNM tham gia ngành đường để chủ động giá thành, nguyên liệu để không phụ thuộc đối tác. Sản lượng đường của công ty đường là 150,000 tấn. Vì thế năm nay giá bán sản phẩm của VNM không tăng.

SCIC chưa nhận được ý kiến từ Chính phủ về vấn đề thoái vốn tại VNM

VNM có kế hoạch phát hành ESOP? Kế hoạch thoái vốn của SCIC trong năm 2018 như thế nào?

Chính phủ đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng liên quan đến phát hành ESOP và hy vọng sẽ sớm có câu trả lời cho vấn đề này.

Còn đối với việc thoái vốn Nhà nước, SCIC đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, nhưng chưa nhận được ý kiến của Chính phủ.

Thị trường Myanmar và Trung Quốc sẽ rất quan trọng trong kế hoạch 10 năm tới của VNM, Công ty có thể chia sẻ chi tiết hơn về hai thị trường này?

VNM cũng đang rất quan tâm hai thị trường này, Myanmar có F&N đã kết hợp điều tra thị trường xong, hiện đang tìm kiếm nhà phân phối (hiện vẫn đang xuất khẩu) để đánh mạnh vào thị trường này. Tuy nhiên vẫn phải thận trọng trong vấn đề xuất khẩu. Tương tự như việc đầu tư vào Campuchia, để đầu tư xây nhà máy thì trước tiên phải đạt được mức thị phần 30-40% và kế hoạch năm nay là 50%.

Thị trường Trung Quốc hiện do vướng mắc hai bên, theo kế hoạch 1-2 tháng nữa đoàn của Trung Quốc sẽ sang kiểm tra nhà máy VNM sau đó nếu đáp ứng tiêu chuẩn mới được xuất khẩu. VNM hiện vẫn đang xuất sang Trung Quốc mặt hàng không cấm theo nghị định.

Kế hoạch quản lý nguồn tiền thặng dư 10,000 tỷ đồng như thế nào cho hiệu quả?

VNM muốn phát triển thì phải đầu tư. Hiện nội địa sẽ cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu theo thị trường. Còn muốn trở thành công ty đa quốc gia thì phải ra ngoài như đầu tư, xuất khẩu. Nghĩa là VNM vẫn đang săn lùng, tìm kiếm thị trường để sử dụng số tiền này hiệu quả, hỗ trợ lợi nhuận cho Công ty.

Công ty Dừa Á Châu hoạt động như thế nào và đóng góp gì cho VNM?

Công ty Dừa Á Châu chuyên sản xuất các sản phẩm về dừa và chủ yếu để xuất khẩu. Ngoài ra, đây cũng là công ty cung cấp nguyên liệu cho VNM, sắp tới VNM sẽ cho ra sản phẩm nước dừa bao bì giấy tiệt trùng.

Tại sao VNM mua trái phiếu HDBank, nơi bà Băng Tâm làm Chủ tịch?

Trái phiếu trị giá 190 tỷ đồng VNM đã mua 3 năm do lãi suất tốt và Ngân hàng ổn định. Bà Tâm là Chủ tịch nhưng không ảnh hưởng đến việc đầu tư này, quan trọng là có lợi nên Công ty nên mới làm.

Thanh Nụ

fili

Tags: