Tại sao Việt Nam “khăng khăng” phát triển điện than?

Tại sao Việt Nam “khăng khăng” phát triển điện than?

"Báo cáo bùng nổ và thoái trào 2018: Giám sát các Nhà máy điện than toàn cầu" vừa được công bố bởi Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm - ba tổ chức nghiên cứu thế giới hôm 22/3/2018 cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn: "Nếu cộng tất cả các khoản, giá điện than chắc chắn sẽ là nguồn năng lượng đắt nhất”. Ảnh minh họa.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh vào năm 2016, Việt Nam có 12.100 MW dự án đã công bố, 15.040 MW chuẩn bị được cấp phép, 8.750 MW đã được cấp phép và 10.635 MW đang xây dựng.

Bình luận về các nhà máy điện than hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra ví dụ trong tổng sơ đồ điện 6 và điện 7, điện than đang chiếm 45% nguồn điện Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam đang đi ngược thế giới khi các nước đang tập trung phát triển năng lượng tái tạo và đây đang là xu hướng thế giới với chi phí và giá thành điện tái tạo đang giảm.

"Tại sao Việt Nam lại khăng khăng phát triển điện than?", bà Lan đặt câu hỏi.

Theo bà Lan, đối với Việt Nam, phát triển bền vững là vấn đề hiện hữu và tác động của phát triển thiếu bền vững đã không còn là vấn đề của tương lai. Năm 2016, mối họa môi trường từ Formosa, vấn đề thiếu nước, hạn mặn của Đồng bằng Sông Cửu Long... cho thấy đã đến lúc không thể chần chừ được nữa và đã đến lúc cần bàn tay kiên quyết của Chính phủ.

"Nếu tiếp tục cho phát triển điện than thì không lâu, nó sẽ gây hậu quả lớn. Người dân đang rất lo lắng nhưng dường như Nhà nước đang bỏ qua", bà Lan bày tỏ.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ Việt Nam đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than, bởi nguồn năng lượng này có giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Cụ thể, PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, nhận định, sau thủy điện, nhiệt điện than cho giá thành điện thấp, khoảng 7cent/kWh; vốn đầu tư không quá cao, khoảng 1.500 USD/kWh, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân.

Ngoài ra, khả năng huy động công suất thủy điện than lớn có thể tới hơn 7.500 giờ/năm khi thiếu hụt; không quá lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện, hay thời tiết như điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng thừa nhận nhiệt điện than có nhiều nhược điểm như: Dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất điện). Đây cũng là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí; chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém; Chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy, làm bãi chứa tro xỉ; nhu cầu nước làm mát rất lớn (khoảng 80m3/sec cho nhà máy công suất khoảng 1.200MW)…

Còn PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ thì cho rằng, giá bán điện than ở Việt Nam rẻ là do nhiều yếu tố bao cấp. Giá than không theo giá thị trường mà chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Việc tính giá sản xuất từ nhiệt điện than cũng bỏ qua chi phí môi trường, sức khỏe người dân và tác động tiêu cực gián tiếp lên xã hội.

“Không thể nói nhiệt điện than rẻ bởi nguồn điện này mới chỉ tính đầu vào. Đã đến lúc cần tính đúng, tính đủ cho giá điện than, bao gồm các chi phí về môi trường, sức khỏe của người dân chịu ảnh hưởng. Đó là chưa kể chi phí đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu than như cảng biển, đường giao thông… Nếu cộng tất cả các khoản trên, giá điện than chắc chắn sẽ là nguồn năng lượng đắt nhất”, ông Tuấn nhận định.

Nguyễn Việt

Diễn đàn doanh nghiệp