Vì sao thanh toán điện tử trỗi dậy ở Việt Nam?

Vì sao thanh toán điện tử trỗi dậy ở Việt Nam?

Tại Việt Nam, khi người dân phải đối mặt với vấn đề phạm vi bao phủ rải rác của hệ thống ngân hàng, thanh toán điện tử sẽ tăng trưởng mạnh nhờ các ứng dụng thanh toán và dịch vụ trực tuyến khác.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gần 50% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng ở vùng nông thôn, thì tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng là cực kỳ thấp. Và khi các thiết bị di động ngày càng phổ biến, các cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực truyền thông được cải thiện, thương mại điện tử sẽ có điều kiện để tăng trưởng mạnh hơn.

Trong năm 2017, số lượng thanh toán điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước, và lên mức 6.14 tỷ USD, dựa theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Statista. Con số này được dự báo tăng gấp đôi lên 12.33 tỷ USD trong năm 2022.

VNG – công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin Zalo – dự định lắp đặt các thiết bị đầu cuối cho dịch vụ thanh toán điện tử ZaloPay tại 1,000 địa điểm vào cuối năm nay.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, UPCoM: OIL) đã ra mắt hệ thống thanh toán di động trong tháng 2/2018, trong khi M-Service – một công ty chuyên về công nghệ tài chính (fintech) – dự định gia tăng số lượng thuê bao (subscriber) cho dịch vụ thanh toán trực tuyến MoMo của họ lên 50 triệu thuê bao vào năm 2020, từ mức 5 triệu thuê bao tại thời điểm này.

Lúc đầu, các thiết bị đầu cuối của ZaloPay sẽ xuất hiện chủ yếu trong các cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng thiết bị điện tử. Dịch vụ này cho phép người dùng gửi tiền và thanh toán cho các giao dịch trực tuyến và các hóa đơn tiện ích (như tiền điện). Ngoài ra, ZaloPay còn được sử dụng để chuyển tiền từ các tài khoản ngân hàng và xử lý chuyển tiền kiều hối thông qua mã QR.

ZaloPay sẽ là sản phẩm chiến lược của VNG và đóng vai trò quan trọng trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam, ông Phạm Thông, Giám đốc phát triển kinh doanh của ZaloPay, cho hay.

Tiềm năng của ZaloPay là cực kỳ lớn nhờ ứng dụng nhắn tin Zalo của VNG, vốn đã có 70 triệu người dùng.

Trong khi đó, PV Oil đang chấp nhận thanh toán di động bằng cách sử dụng thẻ tài khoản và mã QR. Hệ thống được cho là sẽ làm giảm bớt tình trạng tắt nghẽn tại các trạm đổ xăng trong một đất nước có hơn 40 triệu chiếc xe gắn máy. Hơn nữa, lịch sử thanh toán có thể được xem trực tuyến, cho phép các người dùng theo dõi chi phí nhiên liệu.

Ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực thanh toán điện tử, MoMo, cũng đang cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động. Bên cạnh thanh toán cho các món hàng trực tuyến, vé máy bay và hóa đơn tiện ích, người dùng MoMo có thể thanh toán cho các chuyến đi xe Uber nhờ mối liên kết giữa dịch vụ M-Service và công ty Uber Technologies trong tháng 11/2017.

Mạng lưới toàn quốc MoMo gồm 4,000 đại lý – những người cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản như gửi tiền, rút tiền và chuyển tiền – đã giúp dịch vụ này phổ biến ở các khu vực nông thôn. Chẳng hạn, người lao động nhập cư có thể gửi tiền vào tài khoản MoMo của họ và chuyển sang tài khoản khác mà không cần phải sử dụng các trụ ATM.

Các công ty nước ngoài đang chú ý đến tiềm năng của ngành thương mại điện tử Việt Nam. Quốc gia này là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á (GDP thực tăng trưởng 6.8% trong năm 2017) và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Alipay – vốn thuộc sở hữu của ông lớn thương mại Trung Quốc, Alibaba Group – đã hợp tác với một công ty Việt Nam trong tháng 11/2017 để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gấp rút nhảy vào lĩnh vực thương mại điện tử. Ngân hàng MaritimeBank và Sacombank đã tung ra dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua mã QR – vốn có thể được sử dụng tại các cửa hàng và nhà hàng.

Sự tăng trưởng về số lượng công ty thương mại điện tử như Lazada và Sendo cũng góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử khi những người mua sắm trực tuyến – nhiều trong số này không có thẻ tín dụng – tránh phương thức giao hàng thu tiền hộ (cash on delivery), một phương thức rất dễ xảy ra trộm cắp hàng hóa.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia Review)

FiLi